Tương lai nào đang đón chờ EU trong năm 2016?
Nếu như khả năng này được hiện thực thì EU sẽ thực sự bị phân rã và tương lai ảm đạm đang đón chờ EU trong năm 2016!
Tham vọng hình thành liên minh Hungary và Ba Lan…
Kế hoạch của Cao ủy châu Âu trong việc áp đặt một lệnh cấm vận chống Ba Lan do nước này ủng hộ các cuộc cải cách siêu bảo thủ có thể sẽ không thể được thực hiện. Nguyên nhân là do Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 8/1 đã lên tiếng sẽ bỏ phiếu phủ quyết bất cứ các biện pháp cấm vận nào của EU.
Thủ tướng Hungaru Viktor Orban vf người đồng cấp Ba Lan Beata Szydlo |
Thậm chí, ông Orban còn cho biết Ba Lan và Hungary cũng dự định sẽ thành lập một khối riêng trong nội bộ EU để ngăn chặn dòng người nhập cư.
Theo giới phân tích chính trị quốc tế, nếu như kịch bản này xảy ra thì nội bộ EU sẽ xuất hiện những mâu thuẫn nghiêm trọng và Mỹ sẽ là bên hưởng lợi nhất vì khi đó, viễn cảnh phải liên kết với Mỹ của các nước châu Âu sẽ trở thành giải pháp thay thế thực sự và duy nhất cho các dự án liên kết của châu Âu.
Cao ủy châu Âu cho biết sẽ xem xét vấn đề Ba Lan vào ngày 13/1 tới đây. Quyết định này sẽ được nhiều bên xem xét như là bước đi đầu tiên để trừng phạt Warsaw. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong tuần trước đã tuyên bố rằng Brussels không định “phá vỡ” Ba Lan.
Theo điều 7 của Hiệp ước về việc thành lập EU, việc một quốc gia thành viên EU vi phạm nghiêm trọng các quy tắc dân chủ có thể sẽ bị trừng phạt bởi nhiều biện pháp khác nhau. Một trong những biện pháp này là ngừng thực hiện quyền được bỏ phiếu trong Hội đồng châu Âu.
Việc chính quyền Ba Lan đã may mắn nhận được sự ủng hộ về nguyên tắc của Hungary đã được làm sáng tỏ sau cuộc gặp ngày 6/1 vừa qua giữa Chủ tịch đảng cầm quyền Ba Lan “Luật pháp và công lý” (PiS) Jaroslaw Kaczynski với ông Orban tại Warsaw.
Thủ tướng Orban trong cuộc gặp này cho biết Hungary sẽ không phản đối kế hoạch cải cách ở Ba Lan khi xem xét cắt giảm khá nhiều quyền lực của Tòa án Hiến pháp và nâng cao sự kiểm soát đối với các phương tiện truyền thông.
Đối với những cuộc cải cách mà Ngoại trưởng Luxembourg ví như là sự quay trở lại thời kỳ chủ nghĩa cộng sản, ông Orban coi những cải cách này là “công việc nội bộ” của Warsaw. “Brussels cần phải tôn trọng người Ba Lan”- Thủ tướng Hungary nhấn mạnh.
Kết quả cuộc gặp này cho thấy, Ba Lan và Hungary ủng hộ các nỗ lực kiểm soát dòng người nhập cư. Orban thậm chí còn đề xuất dựng lên một hàng rào ở biên giới phía Bắc Hy Lạp để ngăn chặn người nhập cư.
Còn thỏa thuận mà giới lãnh đạo EU đã đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2015 (EU cấp khoảng 3 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này ngăn chặn dòng người nhập cư đổ vào châu Âu), theo Orban, là không có hiệu lực.
Về phần mình, chính phủ Ba Lan cho biết rất lấy làm tiếc vì kế hoạch tiếp nhận 10 nghìn người nhập cư vào Ba Lan được đưa ra trước đó. “Chúng tôi không thể nào cung cấp chỗ ở cho hơn 100 người”- Thủ tướng mới của Ba Lan, bà Beata Szydlo tuyên bố.
Quan điểm của Ba Lan và Hungary trở nên gần gũi hơn sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan tháng 10/2015 của đảng PiS đứng đầu là Jaroslaw Kaczynski (anh em song sinh của cựu Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski, người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay tại Nga năm 2010). Trong những năm 2000, Jaroslaw Kaczynski luôn lấy mẫu hình Orban để “học tập” nên sau khi lên nắm quyền ở Ba Lan, việc Jaroslaw Kaczynski tăng cường phối hợp hành động với Orban là điều dễ hiểu.
….liệu có thành hiện thực?
Triển vọng Ba Lan kết hợp với Hungary khiến EU không thể không lo lắng vì trước đó, giữa hệ thống chính trị hai nước này vẫn có sự khác nhau căn bản: Hungary hầu như không có lực lượng đối lập cánh tả và Orban điều hành đất nước một cách độc lập theo ý mình.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban |
Trong khi đó, ở Ba Lan, các thể chế dân chủ hoạt động mạnh hơn và những lời chỉ trích chính phủ có sức nặng hơn. Tuy nhiên, những cuộc cải cách hiện nay ở Ba Lan có thể sẽ dẫn đến những thay đổi với thực trạng này.
Đáng chú ý, EU hiện coi các cuộc cải cách ở Ba Lan là sự vi phạm điều 2 Hiệp ước Lisbon - điều khoản yêu cầu các quốc gia thành viên phải tôn trọng các giá trị dân chủ.
Brussels hiện đang chỉ trích mạnh mẽ cuộc cải cách Tòa án Hiến pháp ở Ba Lan (Cuộc cải cách này yêu cầu các phương tiện truyền thông thực hiện một chính sách thông tin theo đúng “các tiêu chuẩn Thiên chúa giáo”).
Tổng Biên tập tạp chí Gazeta Wyborcza của Ba Lan Adam Michnik tố cáo lực lượng cầm quyền Ba Lan đang cố gắng áp dụng “mô hình Putin” ở nước này.
Nghị sỹ Nghị viện châu Âu Elmar Brok cho rằng đối với EU, hiện Jaroslaw Kaczynski còn trở thành chính trị gia “khó ưa” hơn cả Orban, người theo tư tưởng bảo thủ cực đoan nhưng dù sao vẫn ủng hộ sự thống nhất của EU.
“Không có bất cứ sự liên kết nào, không có bất cứ quyền lực mới nào cho Brussels. Trong vấn đề này, đảng PiS của Ba Lan và các lực lượng bảo thủ Anh có cùng quan điểm” - nhà phân tích chính trị Ba Lan Malgorzata Bonikovska đánh giá về Jaroslaw Kaczynski.
Theo các nhà phân tích, hiện Hungary cần đến một liên kết với Ba Lan hơn là Ba Lan cần liên kết với Hungary.Chính sách của Ba Lan dưới thời Jaroslaw Kaczynski sẽ là chuyển hướng từ nghiêng về EU sang nghiêng về Mỹ. Điều này sẽ khiến người dân Ba Lan có nhiều sự lựa chọn hơn.
Trong khi đó Orban, người không có mối quan hệ chặt chẽ với Washington, lại không có được khả năng này. Budapest chỉ còn cách duy nhất là tìm kiếm đồng minh cho mình (cụ thể là Nga). Nếu như quan hệ với Ba Lan và EU đổ vỡ, Orban sẽ chỉ còn cách tìm đến Nga.
Các nhà phân tích cũng dự báo rằng mâu thuẫn giữa một bên là các nước Đông Âu, một bên là Đức, Pháp và bên còn lại là Anh có thể sẽ trở thành khuynh hướng chính trị chủ đạo trong năm 2016.
Công thức thỏa hiệp mới giữa tất cả các quốc gia thành viên vì công thức này chỉ có thể thực hiện được nếu như Pháp và Đức có những nhượng bộ nhất định.
Nếu như Pháp và Anh gặp nhiều khó khăn trong việc thỏa hiệp với Nga nhiều việc thỏa hiệp với các nước Đông Âu cũng không dễ dàng gì vì điều đó động chạm đến những tiêu chuẩn dân chủ nền tảng của EU.
Hơn nữa, việc Jaroslaw Kaczynski coi những người nhập cư như là “tác nhân truyền bệnh lạ” sẽ là điều khó có thể chấp nhận được đối với Brussels.
Những sự kiện này cho thấy một tương lai đầy ảm đạm dường như đang chờ đón EU trong năm 2016.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.