Từng tập đoàn "vẫn giữ phần cho mình" khi làm đề án
Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh. Ảnh. Xuân Hải. |
Thưa ông, để vực các doanh nghiệp trong nước thì cần có những giải pháp đặc biệt, theo ông những giải pháp đó cụ thể như thế nào?
Theo tôi, chúng ta không thể điều hành về chính sách tài khóa, tiền tệ như bình thường được. Tôi đề nghị trước hết chúng ta cần mạnh dạn xây dựng chương trình 3 năm phục hồi kinh tế giai đoạn 2013 - 2015 mà không nên đeo bám, lưu luyến những mục tiêu của kế hoạch 5 năm, trên tinh thần mới đặt ra bắt buộc chúng ta phải thích ứng. Trong một chương trình đặc biệt như vậy chúng ta phải sử dụng những chính sách công cụ tài khóa và tiền tệ một cách chính xác.
Những chính sách đó là gì, thưa ông?
Đối với chính sách tiền tệ, rõ ràng công cụ lãi suất bây giờ tác động rất ít, việc hấp thụ không được nữa nên trong giai đoạn này cho phép chúng ta sử dụng công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt để tăng tín dụng. Thậm chí có thể dùng những biện pháp cần thiết như nuôi nợ để đòi nợ, dĩ nhiên chúng ta phải phòng ngừa nợ xấu nhưng về công cụ có thể làm được.
Trong chính sách tài khóa chúng ta đang lo lắng nợ công nhưng nhìn về dài hạn, trước mắt có thể tăng bội chi để kích khu vực đầu tư công. Chính khu vực đầu tư công hiện nay có dư địa lớn nhất kích thích thị trường, tăng tổng cầu. Chúng ta phải có tiền để trả các doanh nghiệp mà chúng ta đang nợ đầu tư xây dựng cơ bản hàng chục ngàn tỷ, riêng khoản này cũng kích thích được thị trường và cũng góp phần giải quyết nợ xấu.
Đặc biệt, chúng ta phải đột phá trong xử lý vấn đề doanh nghiệp nhà nước, khi chưa tái cấu trúc được, chưa tạo niềm tin cho thị trường mà phải lo trả nợ cho họ. Theo tôi, những giải pháp đặc thù trong 3 năm đã đến lúc phải đặt lên bàn Quốc hội. Đây là những vấn đề rất khó chứ không đơn giản, nhưng nếu không quyết định chúng ta sẽ muộn và nền kinh tế sẽ đi sâu vào suy giảm và phát sinh những vấn đề lớn hơn.
Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang gặp khó, theo ông do nguyên nhân nào?
Vấn đề là chúng ta phải xử lý được việc nợ chồng chất một cách minh bạch, thậm chí không tiếc. Ví dụ một khối lượng doanh nghiệp, một số cổ phần nhà nước trong doanh nghiệp nếu bán được thì bán bớt đi, chúng ta gom lại và sử dụng một cách có hiệu quả chứ không sử dụng một cách tản mạn với một mớ tập đoàn, một mớ tổng công ty…
Vấn đề không phải trách nhiệm của ai mà chúng ta phải chấp nhận trả nợ cho một số doanh nghiệp hay giải thể cho phá sản một số doanh nghiệp để lấy tài sản chúng ta xử lý những chỗ khác có lợi hơn. Nghĩa là khối lương tài sản của nhà nước đang đầu tư ở các doanh nghiệp cần đưa vào quản lý một cách có hiệu quả chứ không phải của doanh nghiệp nào, tập đoàn nào là của anh mà của nhà nước. Tôi nghĩ Chính phủ và Quốc hội cần phải có trách nhiệm trong vấn đề này.
Trong báo cáo của Kiểm toán nhà nước phần lớn các tập đoàn tổng công ty nhà nước làm ăn có lãi nhưng thấp? Việc mạnh dạn giải thể, phá sản nên tập trung vào những doanh nghiệp nào, thưa ông?
Những nợ nần dây dưa không giải quyết được, đầu tư dang dở thì để làm gì. Phải xử lý đi những đầu tư dang dở, thậm chí tôi đề nghị chúng ta dùng biện pháp anh làm một phần rồi tôi lấy cái đó coi như là phần góp của nhà nước, doanh nghiệp nào đầu tư phần còn lại chứ không để doanh nghiệp đó ôm nữa. Tôi nghĩ hiện nay nguồn lực của nhà nước ở các doanh nghiệp là rất lớn chúng ta hoàn toàn dùng nguồn lực này ở những cách khác nhau để chúng ta xử lý khu vực này. Chứ làm kiểu như vừa rồi, từng tập đoàn tổng công ty làm đề án vẫn giữ phần cho mình thì không thể giải quyết tổng thể.
Để giải cứu thị trường bất động sản, gói 30 nghìn tỷ cho người mua nhà vay ưu đãi được đánh giá là mang lại hiệu quả, nhưng để cứu cả thị trường bất động sản theo ông cần có những giải pháp gì?
Theo tôi đó là sự đột phá để khuyến khích để sản phẩm có thị trường. Cụ thể theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, những loại nhà có giá dưới 1 tỷ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và giá 500 - 600 triệu ở các tỉnh có sức mua thì gói 30 ngàn tỷ đồng hướng cho những người cần, thiếu nhà được mua. Nếu theo hướng này nhà đầu tư sẽ nhận ra ở khoảng này có người mua, cần nhanh chóng tạo sản phẩm và người mua cũng tạo thị trường cho nhà đầu tư.
Các ngân hàng thương mại cứ cho người mua nhà vay lãi suất 6%/năm trong 10 năm, và khi các ngân hàng thương mại cho vay rồi thì ngân hàng nhà nước sẽ tái cấp vốn lại, như trước đây chúng ta đã làm cái lãi suất 4%. Nếu làm cái này một cách nhanh chóng và như nghị quyết trình Quốc hội về giảm thuế VAT mà chúng ta áp dụng từ này cho đến 2014 sẽ có tác dụng lan tỏa và làm ấm phân khúc này lên. Trong một số năm sẽ làm rã dần dần mảng băng bất động sản chứ chúng ta đừng nghĩ rằng một giải pháp cụ thể nào cứu thị trường mà có thể xử lý nhanh chóng thị trường bất động sản được.