Từ súng phun lửa đến liên kết não, đây là 5 ý tưởng điên rồ nhất của Elon Musk
Musk khởi đầu sự nghiệp trong lĩnh vực phần mềm, với website ngân hàng trực tuyến X.com mà sau này sáp nhập vào PayPal, sau đó tiếp tục đầu tư vào một số lĩnh vực mạo hiểm khác. Vào đầu tháng 2/2018, công ty hàng không vũ trụ SpaceX của ông đã phóng tên lửa mạnh nhất từng được biết đến - chiếc Falcon Heavy - với một kiện hàng độc đáo là chiếc siêu xe thể thao Tesla Roadster mở nhạc Space Oddity của David Bowie. Thế nhưng đây vẫn chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm khổng lồ khi nói về những ý tưởng độc đáo của Elon Musk.
Khi mà khí thải carbon một lần nữa tăng lên, thì con người cần phải tìm ra những hình thức vận chuyển mới "sạch" hơn. Musk đã tạo ra một làn sóng mới trong ngành công nghiệp vận chuyển với Tesla - một công ty chuyên sản xuất xe hơi chạy điện. Thế nhưng, dù siêu xe Tesla Model S có thể là một giải pháp thực tế giúp giải quyết nhiều rắc rối trong lĩnh vực vận tải, nó vẫn chưa là gì so với tham vọng bậc nhất của Elon Musk. Đó là Hyperloop, một hệ thống vận tải tiềm năng trong đó các buồng lái (pod) được đẩy đi trong các ống dẫn khổng lồ với vận tốc không tưởng 1.126km/h. Các nam châm sẽ đẩy các buồng này đi, trong khi một đệm không khí bên trong ống sẽ giữ cho chúng trượt một cách êm ái.
Elon Musk chỉ đưa ra ý tưởng về Hyperloop và nhường cho những cá nhân/tổ chức có khả năng mang nó vào thực tế. Cac công ty như Hyperloop One và Hyperloop Transportation Technologies đã xây dựng các tuyến đường thử nghiệm và đưa công nghệ lên một tầm cao mới.
Dù ngày nay, mạng Internet đã xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giời, nhưng vẫn còn một số phần trăm đáng kể dân số toàn cầu vẫn chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ này, chưa kể tại nhiều khu vực dù đã có dịch vụ Internet, tốc độ đường truyền vẫn vô cùng tồi tệ.
Chính vì vậy, công ty SpaceX của Elon Musk đã đặt nền tảng cho một mạng lưới băng thông rộng toàn cầu, được cung cấp bởi một cụm các vệ tinh ngoài không gian.
Kế hoạch này được công ty gọi là Starlink và đòi hỏi một khoản đầu tư khổng lồ. Để đạt được mức độ phủ sóng như kế hoạch đề ra, công ty cần phóng ít nhất 4.425 vệ tinh lên quỹ đạo - một mục tiêu "hoang đường" xét việc đến cuối năm 2017, cả thế giới mới chỉ có 1.381 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất mà thôi!
Các công ty bán hàng hoá là chuyện hết sức bình thường, nhưng bán hàng theo kiểu Boring Company của Elon Musk thì đúng là có một không hai.
Boring Company vốn được tỷ phú này thành lập để đào các mạng lưới hầm ngầm, giúp mở rộng các hình thức vận chuyển hàng hoá và con người. Thế nhưng sau khi bán...mũ, công ty này lại tiếp tục bán...súng phun lửa. Vậy mà khẩu súng này cũng bán đắt như tôm tươi với 20.000 đơn đặt hàng chỉ sau vài ngày.
Khẩu súng phun lửa này gây khá nhiều sự chú ý và tranh cãi. Nó không phải là khẩu súng phun lửa đầu tiên được bán trên thị trường, cũng chẳng thể so sánh được với các loại vũ khí quân sự. Trong khi súng phun lửa quân sự sử dụng nhiên liệu lỏng có khả năng bám vào đối tượng và đốt liên tục, thì súng của Boring Company lại dùng một bình nhiên liệu propane và khi hoạt động lại trong như một ngọn đuốc không hơn không kém. Không rõ Elon Musk có sản xuất thêm không, nhưng nếu bạn chưa mua được trong đợt vừa rồi thì có kha khá người đang rao bán sản phẩm này trên eBay.
Nếu có một chủ đề chung cho các dự án của Elon Musk, thì đó là việc nhân loại cần phải phát triển các công nghệ mới để sống sót sau các thảm hoạ toàn cầu. Thuộc địa hoá Sao Hoả sẽ giúp con người có một "bảo hiểm" trong trường hợp Trái Đất bị huỷ diệt, và Neuralink là giải pháp của Elon Musk dành cho vấn đề trí tuệ nhân tạo.
Theo đó, Elon Musk luôn lo ngại rằng một lúc nào đó, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế hay thậm chí xoá sổ nhân loại. Ý tưởng về Neuralink là thay vì nhẫn nhục nhìn máy móc thống trị loài người, chúng ta nên hoà nhập với chúng!
Thực ra đây không phải là một ý tưởng điên rồ. Con người đã từng tích hợp những thiết bị như máy điều hoà nhịp tim vào cơ thể với mục đích y khoa. Ngay cả những thứ đơn giản như một cặp kính mắt cũng là một sản phẩm nhân tạo nhằm tăng cường chức năng cho cơ thể con người.
Mục tiêu của Neuralink là xây dựng các giao diện thần kinh tiên tiến, cho phép con người tăng cường sức mạnh não bộ và thậm chí là giao tiếp về mặt trí óc với máy móc. Có lẽ nếu phải lựa chọn giữa tuyệt chủng và trở thành cyborg (nửa người nửa máy), tuỳ chọn thứ hai nghe vẫn hấp dẫn hơn nhiều.
Cũng nhằm đối phó với một thảm hoạ AI, Elon Musk đã sáng lập ra một tổ chức phi lợi nhuận mang tên OpenAI nhằm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và đưa ra các giải pháp để đảm bảo công nghệ này không chống lại con người. Đúng với tên gọi của nó, OpenAI hứa hẹn chia sẻ nghiên cứu của mình với cả thế giới, để các nhà nghiên cứu khác có thể hợp tác nhằm đảm bảo AI phá triển theo những hướng an toàn cho nền văn minh loài người.
Nghe có vẻ nghịch lý; bởi việc tuyển những nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này và cho phép nghiên cứu của họ được phổ biến công khai, OpenAI rõ ràng đang giúp tăng tốc sự phát triển của AI, dẫn đến sự trỗi dậy nhanh hơn của các chương trình thông minh (và nguy hiểm). Thế nhưng Elon Musk hi vọng rằng chính vì không cần phải tạo ra lợi nhuận, OpenAI sẽ có thể tập trung vào các giải pháp để làm AI an toàn hơn, và việc chia sẻ nghiên cứu với thế giới sẽ cho phép mọi người tham gia và nắm được quá trình phát triển của AI.
Đến thời điểm hiện tại, thành tựu nổi tiếng nhất của OpenAI có lẽ là... đánh bại được các game thủ Dota 2 chuyên nghiệp, nhưng sự thực là dự án này có tiềm năng cực lớn (hoặc chẳng được gì) trong tương lai lâu dài sắp đến.