Tư duy nhiệm kỳ và đầu tư công
Tư duy nhiệm kỳ và đầu tư công
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan |
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, tư duy nhiệm kỳ là hệ quả của cơ chế, và phải giải quyết gốc rễ từ cơ chế mới mong xóa bỏ được điểm nghẽn này. Góc rễ của tư duy nhiệm kỳ chính là, từ trước tới nay chúng ta vẫn hoạt động theo tư duy cơ chế bao cấp, kinh tế tập trung hóa, xin – cho.
Thứ hai, là chúng ta chia cắt lãnh thổ lẫn lộn giữa địa giới hành chính và không gian kinh tế, mỗi tỉnh là một nền kinh tế hoàn chỉnh, chạy theo tăng trưởng, thành tích... thì tự khắc nảy sinh ra cái gọi là tư duy nhiệm kỳ, địa phương chủ nghĩa.
Nói một cách khác, câu chuyện tái cơ cấu đầu tư công không chỉ là giải pháp tình thế, cắt tỉa cái ngọn mà điều cơ bản là phương hướng lâu dài, xử lý tận gốc một trong những nguyên do đưa tới tình trạng kinh tế kém hiệu quả và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Có vấn đề ở chi tiêu công
-Năm 2008 chúng ta đã đặt ra vấn đề phải tái cơ cấu đầu tư công, cắt gọt các dự án đầu tư dàn trải nhưng rồi không thực hiện được. Theo ông, vì sao thời điểm này vấn đề tái cơ cấu đầu tư công lại được xới lại và đặt ra là một trong 3 lĩnh vực trong tâm phải quyết tâm thực hiện?
- Bàn về chuyện tái cấu trúc đầu tư công lúc này theo tôi là đúng, vì đây là một trong những tác nhân "đẻ" ra ba chuyện: thứ nhất là nền kinh tế kém hiệu quả, thứ hai là mất cân đối vĩ mô và cuối cùng là tăng nợ công của đất nước. Nhưng nếu nói tái cơ cấu đầu tư công mà chỉ đề cập đầu tư công không thôi thì tôi e chưa đủ, vì vấn đề chúng ta còn có vấn đề về chi tiêu công.
Thành ra nếu chúng ta chỉ chú ý tới đầu tư công mà bỏ qua chi tiêu công thì cũng là nguy cơ chứ không phải không. Theo tôi nhớ, hồi còn đương nhiệm khi bàn về tăng lương thì quỹ lương chiếm khoảng 60% chi ngân sách. Tới nay thì bộ máy này ngày càng phình to và tăng nhanh, mạnh. Nếu không xử lý khâu này thì sẽ rất nguy cho tình hình ngân sách.
- Yếu kém này đã được chỉ đích danh, nhưng vì sao suốt thời gian dài qua vẫn cứ lúng túng, loay hoay trong việc loại bỏ nó, thưa ông?
- Tôi đã sống ở Liên Xô gần 20 năm, suốt thời gian đó tại đây người ta hay nhắc tới cụm từ “công trình kéo dài, đầu tư dàn trải…”. Còn tại Việt Nam, chuyện đầu tư công không hiệu quả kéo dài suốt từ trong quá khứ đến nay. Thành ra chuyện đầu tư công không phải bề nổi trước mắt mà ẩn chứa bên trong đó chính là cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp.
Vì trong "gen" của chúng ta chưa thoát ra được nên hành vi vẫn chứa đựng tính cách này, vẫn phân bổ ngân sách, phân bổ chiếc bánh theo kiểu anh xin tôi cho; trung ương phân cấp cho địa phương… nên mới phát sinh khái niệm "tư duy nhiệm kỳ", phân cấp địa phương.
DNNN không có tội gì nhưng do cơ chế nên bị lẫn lộn giữa nhiệm vụ chính trị và kinh tế. Nhà nước phải tách bạch 2 vấn đề này. Phải thay đổi tư duy đó.
DNNN phải đặt bình đẳng với tất cả DN. DN nào phải làm nhiệm vụ chính trị thì Nhà nước đặt hàng riêng, thanh toán riêng. Tôi tán thành với quan điểm cho rằng, DNNN chỉ nên tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt hướng tới an sinh xã hội, còn làm kinh tế thì để DN tư nhân làm.
Đầu tư dàn trải ngoài ngành quá nhiều đang là "quả đắng" đối với ngành điện lực Ảnh: T.Hà |
"Vẽ" dự án hoành tráng để hút tiền ngân sách
-Rõ ràng sự phân cấp địa phương và tư duy nhiệm kỳ tồn tại quá lâu đã kéo theo những hệ quả khôn lường cho hiện tại, tương lai, thưa ông?
-Theo tôi biết, ở các nước không có chuyện này vì GDP của địa phương do DN tạo ra chứ không phải do quan chức quyết định. Nhà nước không đánh giá vai vế của địa phương cao – thấp qua tăng trưởng, mà nhìn ở góc độ an sinh xã hội, đời sống người dân sung túc hay không.
Lấy ví dụ, trường hợp của Hy Lạp. Họ vỡ nợ, chính quyền sụp đổ do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có 2 nguyên nhân chính là bộ máy hành chính quá cồng kềnh chiếm 70% ngân sách và chi cho phúc lợi xã hội lớn, chứ không phải do đầu tư công vào các dự án khủng.
Còn ở Việt Nam, quan chức địa phương không lo quản lý hành chính cho tốt mà lại chạy theo tăng trưởng, vẽ ra các dự án càng hoành tráng càng tốt để đánh bóng tên tuổi tỉnh mình, vì dự án càng được vẽ to bao nhiêu chứng tỏ độ hoành tráng và được rót tiền ngân sách càng lớn bấy nhiêu. Chính từ đây đẻ ra chuyện "tư duy nhiệm kỳ", phân cấp địa phương.
" Tôi đi sân bay ở 1 tỉnh miền Trung được đầu tư rất khang trang, bài bản nhưng hỏi ra mới biết chỉ có 1 chuyến/ngày, mỗi chuyến đông khách nhất là 7 hành khách. Đây là sự thật. Nếu không chuyển hướng sẽ còn đầu tư không hiệu quả". |
Tập trung hóa, quan liêu bao cấp vẫn còn hiện diện quá đậm trong tư tưởng, chính sách của ta hiện nay. Nên mỗi nhà lãnh đạo tỉnh khi mới lên đều phải cố gắng để lại dấu ấn nào đó, thế nên chẳng tội gì không đi xin cái nọ cái kia để có được dấu ấn để đời.
Đánh giá địa phương có phát triển hay không dựa vào tốc độ tăng GDP thế nào, có nhiều dự án "bự" không... nên các nhà lãnh đạo buộc phải hành động, chạy chọt để GDP địa phương hoành tráng chứ.
Xét ở góc độ nào đó, suy cho cùng, tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có mục đích là làm lợi cho nhóm cá nhân nào đó.
-Vai trò và trách nhiệm cấp trung ương như thế nào trong việc để vênh giữa không gian kinh tế vùng và địa giới hành chính, dẫn tới hậu quả nảy sinh tư duy nhiệm kỳ, thưa ông?
-Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng, lỗi của đầu tư dàn trải không chỉ do lỗi của người xin – địa phương, mà còn có lỗi của cả người cho – trung ương. Thử hỏi, địa phương vẽ ra các dự án hoành tráng, nhưng nếu không được cấp trên duyệt thì làm sao vốn được rót ra để triển khai xây dựng? Nếu cấp trung ương quản chặt thì đã không để lọt lưới quá nhiều dự án không hiệu quả tới vậy.
-Theo ông, có nên bỏ chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng ra khỏi kế hoạch phát triển?
-GDP nước nào cũng có, khác mình là Quốc hội nước họ chỉ thông qua ngân sách, cân đối ngân sách chứ không thông qua chỉ tiêu GDP năm nay anh phải đạt bao nhiêu, lạm phát con số nào...? Ở Việt Nam khi Quốc hội đưa chỉ tiêu này vào nghị quyết, nghĩa là pháp lệnh rồi. Không thể có những con số tăng trưởng hay lạm phát đẹp nếu không giữ được cân đối vĩ mô.
Tôi đọc bản kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm đang trình lên Quốc hội kỳ này cũng vậy, chúng ta vẫn giữ lối tư duy theo kiểu cũ (kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp...). Chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng hành động thì vẫn theo kiểu tập trung bao cấp, kể cả việc xây dựng kế hoạch cho tới khi thông qua kế hoạch. Lời nói và hành động đôi khi không song hành.
-Theo ông, chẳng lẽ cứ bàn thế nhưng rồi vẫn không thể loại bỏ được tư duy nhiệm kỳ?
-Cái gì đã thành nếp thì thay đổi sẽ rất khó. Nói dễ nhưng làm không dễ vì thay đổi mạnh sẽ khiến thay đổi lại hết mọi cân đối, tính toán. Nên bàn về tái cơ cấu đầu tư công vẫn phải trở lại câu hỏi muôn thuở: bắt đầu từ đâu? Lộ trình thế nào? Chứ còn đừng bắt nó hôm nay nói ngày mai đã đổi khác, rất khó, không thể nào làm được.
Nói thế không có nghĩa là sẽ không làm được, đây là cơ hội để chúng ta thay đổi và phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi.
Thu Hoài
(thực hiện)