Từ DN "vô danh tiểu tốt", Asanzo vọt top 3 TTĐT Việt Nam nhờ hàng TQ đội lốt hàng Việt?
Tivi Asanzo được quảng cáo là đỉnh cao công nghệ Nhật Bản nhưng CEO Phạm Văn Tam cho biết, trong một chiếc tivi Asanzo có khoảng 70% nhập khẩu và 30% là được sản xuất trong nước. |
Asanzo của nước nào?
Tivi Asanzo là 1 tân binh trên thị trường sản xuất Tivi tại Việt Nam hiện được người dùng khá quan tâm. Tuy nhiên, trước thông tin bị nghi vấn “Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam”, rất nhiều người tiêu dùng đã hỏi, vậy thương hiệu tivi Asanzo của nước nào?
Cuối năm 2013, thị trường điện tử bỗng thấy xuất hiện thương hiệu tivi mới, thương hiệu tivi dành riêng cho người Việt, tivi Asanzo. Theo đó, Asanzo đã tập trung sản xuất các loại tivi có kích thước tầm trung từ 21,24-32 inch, tập trung vào phân khúc khách hàng ở nông thôn.
Chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc tivi. Năm 2015, con số này đã tăng gấp 3 lần. Năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000 chiếc, đưa tổng doanh thu của công ty cán mốc hơn 2.500 tỷ đồng. Đến năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017.
Theo giới thiệu thì tivi Asanzo được sản xuất và lắp ráp dựa trên công nghệ Nhật Bản hiện đại và chất lượng cao. Với lợi thế sản xuất và lắp ráp ngay tại thị trường nội địa do đó giá thành của các mẫu tivi Asanzo cũng thấp hơn nhiều so với các thương hiệu cạnh tranh khác như Samsung, Sony, LG,...
Với hơn 70 dòng sản phẩm, từ một doanh nghiệp "vô danh tiểu tốt", Asanzo đã vươn lên top 3 thị trường điện tử Việt Nam.
CEO Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam cho biết, sản phẩm Asanzo không phải “Made in Việt Nam” mà xuất xứ tại Việt Nam. |
Vậy Asanzo là của ai?
Công ty CP Tập đoàn Asanzo, được thành lập vào ngày 20/10/2016 với tên gọi ban đầu là Công ty CP Tập đoàn Asan, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Cổ đông lớn nhất sáng lập là ông Phạm Văn Tam (90%) và một số cổ đông khác gồm Công ty TNHH Truyền thông Asanzo (2%); Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam (2%), Phạm Xuân Tình (2%), Phạm Văn Toán (2%) và Phạm Thị The (2%).
Công ty CP Công nghệ cao Asanzo mới thành lập trong năm 2019 với vốn điều lệ đạt 300 tỷ đồng, ba cổ đông sáng lập công ty này là Phạm Văn Tam, Dương Thị Ngọc Giàu, Nguyễn Thị ý Nhi. Ngành nghề kinh doanh là Sản xuất linh kiện điện tử.
Trước nghi vấn “Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam”, CEO tập đoàn Asanzo - ông Phạm Văn Tam cũng đã thừa nhận rằng sản phẩm Asanzo không phải “Made in Việt Nam” mà xuất xứ tại Việt Nam.
Theo ông Tam, trong một chiếc tivi Asanzo có khoảng 70% nhập khẩu và 30% là được sản xuất trong nước.
Cũng theo ông Tam, mục tiêu kinh doanh của Asanzo là mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm tivi, máy lạnh chất lượng, giá cả hợp lý. Với mục tiêu đó, Asanzo có sử dụng những linh kiện, nguyên liệu từ trong nước và nước ngoài. Trong đó có linh kiện, nguyên liệu từ Trung Quốc, Đài Loan để lắp ráp tivi, máy lạnh.
Hiện nay, 70-80% phần cứng của tivi Asanzo là nhập từ nước ngoài, phần còn lại được sản xuất trong nước. Riêng phần mềm tivi thì được nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam.
CEO Phạm Văn Tam cũng cho biết, trước đây, thuế nhập khẩu các mặt hàng điện gia dụng còn cao, do vậy Asanzo đã cho xây dựng các dây chuyền lắp ráp để sản xuất mặt hàng này trong nước. Sang nửa cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi thuế các mặt hàng này trở về 0, nhận thấy không có lãi, Asanzo đã không sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng này nữa mà chỉ tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính là TV và điều hòa không khí.
Ông Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.
Thời điểm nửa đầu năm 2018 trở về trước, Asanzo vẫn còn láp ráp các mặt hàng điện gia dụng. Tuy nhiên khoảng 1 năm trở lại đây, Asanzo không còn lắp ráp các mặt hàng điện gia dụng nữa.