Tự chủ tài chính cho BQL Rừng phòng hộ
Tự chủ tài chính cho Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ hiện vẫn còn là một thách thức đối với các BQL hiện nay.
Nếu không có hệ thống các định mức kinh tế kỹ thuật, sẽ không có cơ sở xác định được chi phí, giá dịch vụ, không có cơ sở khoa học làm căn cứ giao dự toán ngân sách nhà nước cho các đơn vị.
Tại Hội thảo “Chính sách, đầu tư và quản lý bền vững cho hệ thống rừng phòng hộ Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly, một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết, đơn vị được giao quản lý tổng diện tích đất Lâm nghiệp là 15.738,49 ha (Phòng hộ 5.379,90 ha, sản xuất 10.358,59 ha trong đó đất có rừng 12.623 ha), toàn bộ lâm phần của đơn vị nằm trong khu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng, thuộc lưu vực sông Sê San, hệ thống sông có nhiều thủy điện lớn trên khu vực Bắc Tây Nguyên như (Thủy điện Ia Ly, Thủy điện Sê San 3, thủy điện Sê San 3A và thủy điện Sê San 4 và 4A).
Để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, hàng năm BQL được UBND tỉnh Gia Lai, giao cho đơn vị 22 biên chế. Các nguồn tài chính để đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng hàng năm bao gồm: Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp 2,995 tỷ đồng triệu đồng; Nguồn thu Dịch vụ môi trường rừng 4,684 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng không ổn định thay đổi theo từng năm.
Ảnh minh họa. |
Hiên tại BQL rừng phòng hộ Ia Ly là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ do Ngân sách nhà nước đảm bảo 100% kinh phí hoạt động.
Theo BQL, để tiến hành lộ trình tự chủ tài chính, đơn vị chưa có nguồn kinh phí để thực hiện. Hiện nay đơn vị chỉ có nguồn thu duy nhất là nguồn cung ứng Dịch vụ môi trường rừng (khoản thu này hàng năm chi trên 50% cho các hộ, cộng đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng) trong khi đó nhu cầu kinh phí để đảm bảo cho hoạt động của bộ máy và đầu tư phát triển rừng là rất lớn.
Việc thu hút các nguồn lực tài chính xã hội hóa như (liên doanh liên kết, cho thuê môi trường rừng,…) gặp nhiều khó khăn. Do đó khó tạo ra được một cơ chế tài chính bền vững để tăng cường cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó là vấn đề thiếu đồng bộ trong các hoạt động quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác. Việc rà soát, bổ sung, xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt hệ thống các định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho các dịch vụ sự nghiệp công chưa hoàn chỉnh.
Do đó, nếu không có hệ thống các định mức kinh tế kỹ thuật, sẽ không có cơ sở xác định được chi phí, giá dịch vụ, không có cơ sở khoa học làm căn cứ giao dự toán ngân sách nhà nước cho các đơn vị. Các cơ quan quản lý tài chính không thể giao dự toán ngân sách nhà nước, giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với các nội dung chi không thường xuyên, các nhiệm vụ đặc thù bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn, cứu hộ, điều tra, thống kê….cho các Ban quản lý rừng.
Ngân Giang