Từ 1-5, người tố cáo tham nhũng xuất sắc có thể được thưởng 3,45 tỷ đồng
Mức khen thưởng cho những người tố cáo tham nhũng xuất sắc (như chị Hoàng Thị Nguyệt ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội) đã được điều chỉnh tăng mạnh. |
Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ vừa ký Thông tư liên tịch số 01/2015 Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng.
Theo đó, sẽ có 3 hình thức khen thưởng: Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, người đứng đầu cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương).
Tiêu chuẩn khen thưởng đối với người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 21 Nghị định số 76/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo.
Ngoài mức thưởng được áp dụng theo quy định tại Điều 72, Điều 75 Nghị định 42 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua - khen thưởng, cá nhân được khen thưởng còn được thưởng từ Quỹ Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với mức thưởng cụ thể như sau: Huân chương Dũng cảm: 60 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là mức lương cơ sở); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 40 lần mức lương cơ sở; Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương: 20 lần mức lương cơ sở;
Riêng trường hợp giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở (tương đương trên 690 triệu đồng vì lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng - PV) thì được xét thưởng vượt mức quy định trên nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,45 tỷ đồng).
Trả lời thắc mắc của phóng viênvề việc không còn quy định mức khen thưởng cao nhất cho người tố cáo tham nhũng là 5 tỷ đồng như dự thảo thông tư trước đây, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - cho biết việc khen thưởng bám sát theo mức lương cơ sở nhằm phù hợp với tình hình thực tế.
“Nếu lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên thì có nghĩa là mức khen thưởng đổi với người tố cáo tham nhũng cũng được tăng lên” - ông Đạt nói.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 1/5 tới.
Điều 21 Nghị định 76/2012 về tiêu chuẩn khen thưởng:
1. Huân chương Dũng cảm để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Không sợ hy sinh về tính mạng, lợi ích vật chất, tinh thần của mình và người thân đã đũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi tỉnh, thành phố, khu vực trở lên;
b) Hy sinh tính mạng của mình hoặc bị thương tích, bị tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên do tố cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
2. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả rất nghiêm trọng; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi khu vực hoặc của nhiều Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương trở lên;
b) Bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% do tố cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
3. Bằng khen của cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Đã tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương trở lên;
b) Bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31% do tố cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Thế Kha/Dân trí