TT Trump: Không có Mỹ, Ả Rập Xê út sẽ không thể tồn tại quá hai tuần
Tuyên bố này được cho là một động thái của Mỹ nhằm gây sức ép lên Ả Rập Xê út, một trong những đồng minh lâu năm của Washington ở khu vực Trung Đông, với mục đích ngăn tình trạng giá dầu thô tăng cũng như buộc nước này phải chi trả để được hỗ trợ quốc phòng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump được Quốc vương Ả Rập Xê út Salman bin Abdulaziz trao huân chương cao quý. |
“Tại sao chúng ta lại có những thỏa thuận quân sự mà nội dung là chúng ta phải bảo vệ các quốc gia giàu có mà không được bồi thường?”, ông Trump phát biểu trong một cuộc mít tinh diễn ra tại bang Missisippi (Mỹ) vào tối ngày 2/10. “Tôi rất yêu quý Quốc vương Salman, nhưng tôi phải nói rằng: ‘Thưa Quốc vương, chúng tôi đang bảo vệ ngài. Ngài có thể sẽ không trụ vững được hai tuần ở đó mà không có chúng tôi. Ngài phải chi trả cho quân đội của mình, ngài nhất định phải làm vậy’”.
Trong bối cảnh giá dầu thô đã tăng vượt ngưỡng 80 USD một thùng, ông Trump đã gia tăng thêm sức ép đối với Ả Rập Xê út, nhà cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới hiện nay, để nước này làm nhiều hơn nữa để kiểm soát thị trường và bồi thường chi phí cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Mặc dù quan hệ giữa Ả Rập Xê út và Mỹ đã được cải thiện dưới thời của ông Trump, song tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ có phần quá khắt khe và dường như đang chỉ trích một thể chế chính trị đã tồn tại từ thập niên 1930 tới nay.
Rất có thể câu nói trên đã được ông Trump nói ra trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại với Quốc vương Ả Rập Xê út Salman bin Abdulaziz vào ngày 29/9. Kênh truyền hình al-Arabiya của Ả Rập Xê út nói rằng hai người đã thảo luận về việc đảm bảo chuỗi cung ứng để thị trường dầu mỏ thế giới được ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhà Trắng cho biết ông Trump và Quốc vương đã nói đến những “vấn đề đáng lo ngại ở Trung Đông”.
Tuyên bố của ông Trump cũng thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp dầu mỏ và quỹ đầu tư đang theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có thể có động thái nhằm vào Ả Rập Xê út hoặc bất kỳ các nước thành viên OPEC khác. Trước đó trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Trump cũng đề cập đến những điểm trên.
Kể từ khi đắc cử Tổng thống, ông Trump đã nghi ngờ về mối quan hệ đồng minh của nước Mỹ được xây dựng từ sau Thế chiến II. Ông đặt câu hỏi về tầm quan trọng của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương, đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà các nước Châu Âu cũng đã ký kết, thậm chí gọi Liên minh Châu Âu là một “đối thủ”.