TT Huế: Hải sản rớt giá do dịch Covid-19, ngư dân vẫn kiên cường vươn khơi bám biển
Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu, thị trường bị thu hẹp nên nguồn hải sản khai thác được trong những ngày này của ngư dân ở Thừa Thiên Huế chỉ tiêu thụ chủ yếu ở trong nước, trong khi giá cả giảm xuống khiến nhiều chủ tàu gặp khó khăn, thậm chí thu không đủ chi.
Trong bờ biển còn rất ít tàu cá công suất lớn neo đậu do đang đi biển đánh bắt hải sản. |
Nhiều ngư dân cho biết, giá thành thủy hải sản giảm kéo theo khó khăn, hạn chế trong việc đầu tư mới các trang thiết bị, ngư lưới hiện đại, nhất là việc đầu tư cải hoán, đóng tàu mới công suất lớn.
Khó khăn là vậy nhưng từ đầu năm đến nay, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân vùng biển trong tỉnh vẫn liên tục vươn khơi bám biển. Đặc biệt là nhiều tàu cá của ngư dân vẫn trang bị đầy đủ nước rửa tay diệt khuẩn, khẩu trang cho người lao động mỗi khi đi biển, thực hiện theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.
Có mặt tại khu neo đậu tàu thuyền ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) ngày 6/4, dù trời âm u, mưa lạnh, có gió nhẹ nhưng tàu thuyền neo đậu trong bờ rất ít, chỉ có các tàu hành nghề ghẹ tươi sống không phải mùa hoặc tàu đánh bắt gần bờ và một số tàu mới cập bờ neo đậu.
“Lượng hải sản đánh bắt như mực, cá, tôm… không có gì thay đổi vẫn đạt năng suất như mọi năm nhưng giờ giá cả xuống gần 40% do thị trường tiêu thụ ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên mỗi chuyến chỉ đủ các chi phí để duy trì nghề biển", ông Võ Văn Thạnh (thuyền trưởng tàu cá trú ở thị trấn Thuận An) nói.
Còn ông Nguyễn Văn Hòa, chủ tàu cá đánh bắt gần bờ trú ở thị trấn Thuận An cũng chia sẻ, “đối với nghề biển, giá cả giảm không chỉ chủ tàu bị ảnh hưởng mà các thuyền viên cũng như gia đình họ bị ảnh hưởng. Một tàu đi biển vào bờ trung bình nuôi 20 người gồm gia đình chủ tàu và 3 gia đình thuyền viên cùng vợ con, cha mẹ già…”.
Nhưng nhiều ngư dân ở huyện Phú Vang vẫn vui vẻ, phấn khởi ra khơi bám biển do giá xăng dầu giảm và vốn vay có hỗ trợ ưu đãi. Đặc biệt, thị trường hải sản đưa vào bờ không bị tồn đọng, khó bán.
Ngư lưới cụ chuẩn bị sẵn đến giờ xuất phát ra khơi. |
Ông Bùi Văn Phối (chủ tàu công suất 320CV) cho biết: “Ngày trước 1kg cá bán được khoảng 100.000 đồng thì nay chỉ bán được 60.000 đồng nên việc đầu tư sắm thêm ngư lưới cụ rất khó khăn. Nhưng tôi cũng rất mừng bởi lượng hải sản đưa vào bờ vẫn tiêu thụ hết không bị tồn đọng như các mặt hàng khác”.
Tại khu neo đậu tàu thuyền xã Phú Hải (huyện Phú Vang) hiện có khoảng chục chiếc tàu công suất lớn neo đậu, ngư lưới cụ đã được chuẩn bị sẵn trên tàu, chủ tàu và thuyền viên chỉ chờ đến giờ xuất phát ra ngư trường.
“Mặc dù giá hải sản giảm mạnh nhưng chúng tôi vẫn phải đi biển, bởi ít ra vươn khơi cũng có đồng ra đồng vào nuôi sống gia đình và tạo công ăn việc làm cho các anh em thuyền viên dù thu nhập giảm không bằng năm 2019”, anh Nguyễn Văn Mơ, chủ tàu cá công suất lớn trú xã Phú Hải nói.
Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Đủ - Phó chủ tịch UBND thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) thông tin, hiện trên địa bàn có 386 tàu thuyền và ngư dân vẫn đi khai thác bình thường mặc dù giá hải sản đánh bắt giảm khoảng 30 – 40% so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng từ dịch bệnh nên hoạt động xuất khẩu thủy hải sản chững lại. Tuy nhiên, hiện ngư dân vẫn duy trì đi biển, lượng hải sản khai thác vẫn ổn định.