Ts Trần Công Trục: Tuyên truyền Biển Đông bằng chứng lý và luật pháp (Bài cuối)
Ts Trần Công Trục: Tuyên truyền Biển Đông bằng chứng lý và luật pháp (Bài cuối)
>> Ts Trần Công Trục: Nhận thức về Biển Đông của người dân “chưa tỉnh hẳn” (Bài 4)
>> Tuyên truyền Biển Đông: Thận trọng chứ không nên dè dặt (Bài 3)
>> Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Nên thành lập “Hội nghiên cứu, tuyên truyền Biển Đông”
>> Hãy nói về Biển Đông với người trẻ (Bài 1)
"Chứng lý Việt Nam trong vấn đề Biển Đông"
Thưa tiến sĩ, nói một cách khái quát nhất, Việt Nam đang có những chứng lý gì về chủ quyền của mình trên Biển Đông? Trung Quốc đang dùng lý lẽ nào?
Ts Trần Công Trục: Khi có tranh chấp bên nào cũng có lý lẽ của riêng mình. Nhưng khi giải quyết những tranh chấp đó thông thường người ta phải dựa vào các nguyên tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế thích hợp, được thừa nhận và áp dụng rông rãi trên trường quốc tế.
Chẳng hạn như vấn đề chồng lấn biển và thềm lục địa, cơ sở giải quyết là Công ước Luật biển 1982. Nguyên tắc này đã trở thành cơ sở để giải quyết thắng lợi một số điểm tranh chấp như phân định Vịnh Bắc Bộ, phân định một số vùng biển chồng lấn Việt Nam- Indonesia, Việt Nam- Thái Lan. Tuy nhiên cũng có khu vực chưa có giải pháp triệt để, nhưng như vậy chúng ta đã có giải pháp tạm thời như khu vực 2800 km2 giữa Việt Nam và Malaysia.
Căn cứ phân định các vùng biển từ Công ước Luật biển 1982 |
Còn đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, theo Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, thì phải căn cứ vào nguyên tắc pháp lý phổ biến hiện nay, đó là nguyên tắc “chiếm hữu thực sự”. Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, hòa bình, liên tục, phù hợp với nguyên tắc và thực tiễn quốc tế. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh và bảo vệ sự thật hiển nhiên này.
Trung Quốc cho rằng: Họ có “ Chủ quyền lịch sử” đối với cái gọi là “ Tây Sa”, “Nam Sa”, “Đông Sa” “Trung Sa”. Lập luận của họ là: Người Trung Hoa đã phát hiện, khai phá, đặt tên, cai quản đối với 4 quần đảo này giữa Biển Đông từ trước Công nguyên... và từ lập luận đó, họ đã tìm cách hợp thức hóa đường biên giới biển bao lấy khoảng 80% diện tích Biển Đông, thường được gọi là đường “Lưỡi bò”, với tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà của mình…
Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa, người bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc |
Các bên tranh chấp đều tìm mọi cách bảo vệ cho lập luận của mình trong cuộc đấu tranh pháp lý có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập luận của ai đúng, ai sai, còn là cả một vấn đề khá phức tạp và lâu dài, có nhiều khả năng các bên liên quan phải đưa tranh chấp ra trước các cơ quan tài phán quốc tế. Vì vậy, các bên đều phải tổ chức nghiên cứu xây dựng hồ sơ pháp lý của mình sao cho đầy đủ, hoàn chỉnh và phù hợp với các nguyên tắc và thủ tục pháp lý theo quy định của Luật pháp và thực tiễn quốc tế. Để làm được điều này đòi hỏi công sức của rất nhiều thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là những người làm công tác pháp luật, lịch sử, địa lý, chính trị, ngoại giao… Hồ sơ pháp lý hiện có của chúng ta đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nói trên chưa? Các chứng cứ mà chúng ta thu thập được trong thời gian qua đã được kiểm chứng và có giá trị đến đâu?....
"Các học giả quốc tế đã nhiều lần cảnh báo về sự nguy hiểm của những cuộc “chiến tranh bản đồ”, “chiến tranh tên gọi” được Trung Quốc dày công sắp xếp, dàn dựng cho cuộc tranh giành biên giới lãnh thổ nhằm thực hiện tham vọng phi lý của họ". Ts Trần Công Trục |
Trong kho tư liệu lịch sử, bản đồ…. khá bề bộn đó, đâu là tư liệu có giá trị pháp lý, đâu là tư liệu chỉ có giá trị trên mặt trận đấu tranh chính trị, tuyên truyền… Tôi cho rằng công việc này không thể làm một cách qua loa, đại khái được. Điều cần đăc biệt lưu ý đối với những nhà nghiên cứu pháp lý, lịch sử… là cần thận trong khi sử dụng các tư liệu lịch sử, bản đồ… Theo tôi, không phải tất cả các tư liệu lịch sử, bản đồ… đều có thể sử dụng để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Bởi vì, nếu chỉ dựa vào yếu tố lịch sử, bản đồ để xem xét quyền thụ đắc lãnh thổ đối với một vùng đảo biển có tranh chấp thì hậu quả sẽ vô cùng phức tạp. Sẽ có nhiều quốc gia mất đi, nhiều quần đảo đang có chủ hợp pháp sẽ trở thành vùng tranh chấp… Các học giả quốc tế đã nhiều lần cảnh báo về sự nguy hiểm của những cuộc “chiến tranh bản đồ”, “chiến tranh tên gọi” được Trung Quốc dày công sắp xếp, dàn dựng cho cuộc tranh giành biên giới lãnh thổ nhằm thực hiện tham vọng phi lý của họ.
"Tuyên truyền Biển Đông bằng chứng lý và luật pháp"
Dưới góc độ người nghiên cứu pháp luật về biển, ông có thể đưa ra kiến giải đơn giản nhất, khái quát nhất để người dân hiểu đúng bản chất vấn đề Biển Đông?
Ts Trần Công Trục: Đây là câu hỏi nên để cho các cán bộ và các cơ quan, tổ chức nhà nước có liên quan có câu trả lời thích hợp. Tuy nhiên, theo nhận thức của tôi thì trước hết phải làm cho mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ , chiến sỹ… nắm vững nội dung cơ bản của Luật Biển Viêt Nam vừa được thông qua và những vần đề pháp lý, lịch sử có liên quan đến chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa…. Theo tôi , những thông tin, kiến thức đó đang là nhu cầu cấp thiết, là đòi hỏi chính đáng của mọi người Việt Nam. Có một mẩu chuyện làm tôi hết sức xúc động. Mẩu chuyện này do một đồng nghiệp của tôi kể lại. Người đồng nghiệp này được tôi tặng cuốn sách: “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, do Nhà XB Thông tin và Truyền thông mới xuất bản. Đem cuốn sách về nhà chưa kịp đọc thì một ông bạn già hàng xóm nhìn thấy cuốn sách liền năn nỉ mượn về đọc; hôm sau đem sách trả lại cho đồng nghiệp tôi, ông bạn hàng xóm cho biết đã thức trắng đêm để đọc cuốn sách này và đã huy động con cháu copy lại một số nội dung và đã vẽ to lại sơ đồ các vùng biển và thêm lục địa Việt Nam đã thể hiện trong cuốn sách để treo lên tường nhà nhằm nhắc nhở cho cả nhà biết rõ Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa cụ thể ra sao….
Bản đồ nhà Thanh ghi nhận lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam |
Theo ông, chúng ta cần cảnh giác, lưu ý những gì và hành động thế nào khi đấu tranh với Trung Quốc?
Ts Trần Công Trục: Phải đặt vấn đề tại sao Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động “gây hấn” trên Biển Đông và mặc dù tuyên bố sẵn sàng giải quyết vấn đề trên biển bằng giải pháp hòa bình nhưng họ lại từ chối đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Tại sao họ đòi đàm phán song phương mà không dám đàm phán đa phương? Phải chăng họ đang yếu thế, họ đang đuối lý? Và làm như vậy họ mong muốn điều gì? Phải chăng họ đang muốn nhảy vào chia phần tài nguyên vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các nước xung quanh Biển Đông, dưới chiêu bài “Gác tranh chấp cùng khai thác”… Trả lời chuẩn xác những vấn đề đặt ra này sẽ giúp chúng ta có được giải pháp đúng đắn và hiệu quả cho những tranh chấp phức tạp hiện nay.
Ngoài những nhiệm vụ nói trên, sau khi Quốc hội thông qua Luật Biển, chúng ta phải có nhiệm vụ làm cho Luật Biển Việt Nam có hiệu lực trên thực tế. Theo tôi, muốn cho Luật Biển đi vào cuộc sống, có lẽ nên tính đến việc thành lập một Cơ quan quản lý nhà nước về biển, đảo tập trung thống nhất. Cơ quan này có thẩm quyền tổ chức thực hiện công tác quản lý biển trong cả nước, có thẩm quyền điều phối mọi hoạt động bảo vệ, quản lý và phát triển kinh tế biển và xử lý mọi tranh chấp xảy ra trên biển thông qua các lực lượng chấp pháp như: Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quan, Kiểm ngư, Công an…
Cảnh sát Biển Việt Nam vững vàng trên Biển Đông |
Xin cảm ơn ông!
Hồng Chuyên
(Thực hiện)