Ts Trần Công Trục: Nhận thức về Biển Đông của người dân “chưa tỉnh hẳn” (Bài 4)
Ts Trần Công Trục: Nhận thức về Biển Đông của người dân “chưa tỉnh hẳn” (Bài 4)
>> Tuyên truyền Biển Đông: Thận trọng chứ không nên dè dặt (Bài 3)
>> Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Nên thành lập “Hội nghiên cứu, tuyên truyền Biển Đông”
>> Hãy nói về Biển Đông với người trẻ (Bài 1)
Ts Trần Công Trục tại buổi trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Infonet |
"Vẫn còn nhiều quan niệm chưa chính xác về Biển Đông"
Thưa Tiến sĩ, hơn bao giờ hết, việc tuyên truyền cho người dân, cộng đồng quốc tế hiểu về Công ước Luật Biển và vấn đề Biển Đông trở thành nhiệm vụ quan trọng của mỗi người Việt Nam. Thêm nữa, mới đây, báo chí công bố nhiều bản đồ khẳng định sự vô lý của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ông có đánh giá gì về vấn đề này và hiện trạng tuyên truyền Biển Đông của Việt Nam?
TS Trần Công Trục: Rõ ràng trong thời gian vừa qua mỗi người dân Việt Nam kể cả dư luận quốc tế rất quan tâm tình hình Biển Đông. Tình hình nổi lên hiện nay là việc bất chấp luật pháp quốc tế, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của các quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam và Philipines, do Trung Quốc gây ra. Đi đôi với hành động này, Trung Quốc liên tục có những cách, những chiêu bài tuyên truyền để làm sai lệch, bóp méo tình hình Biển Đông bằng những lời lẽ thiếu khách quan và mang tính chất thách thức. Trước những hành động của Trung Quốc, các nước trong khu vực chưa có được những cách xử sự và tiếng nói thống nhất. Riêng Việt Nam đã có Bộ ngoại giao và nhiều học giả bác lại những luận điệu của Trung Quốc, nhưng cũng chưa đủ để người dân hiểu rõ, hiểu sâu, hiểu đúng bản chất vấn đề Biển Đông.
Trước tình hình đó, mỗi người dân phải làm gì, cần có biện pháp gì, định hướng như thế nào để cùng Nhà nước có được giải pháp cho vấn đề Biển Đông một cách thích hợp và có hiêu quả nhất?
Trên thực tế, những băn khoăn này là có thật. Nó thôi thúc chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Biển Đông để cộng đồng trong nước, quốc tế và đặc biệt là người dân Trung Quốc hiểu rõ bản chất vấn đề Biển Đông.
Theo ông, người dân đã hiểu được bao nhiêu phần tình hình Biển Đông, đã hiểu bản chất vấn đề Biển Đông hay chưa, hiểu được rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam chưa?
TS Trần Công Trục: Để trả lời câu hỏi này phải có cuộc điều tra, thống kê của Bộ Thông tin và Truyền Thông. Bản thân tôi không thể trả lời chính xác vấn đề này. Tuy nhiên, qua những người mà tôi có dịp tiếp xúc , dù họ là cán bộ hay dân thường, thì vẫn có nhiều vấn đề về mặt nhận thức Biển Đông đáng được quan tâm.
Đơn cử như trong Biển Đông có những loai tranh chấp nào đang xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam? Tại sao có những tranh chấp đó? Cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp đó là gì? Nguyên tắc pháp lý quốc tế nào có thể được vận dung để giải quyết những tranh chấp này? Công ước Luật biển 1982 của LHQ có phải là căn cứ pháp lý duy nhất để xử lý mọi tranh chấp trong Biển Đông hay không? Các nước ven biển có quyền xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như thế nào? Quy chế pháp lý đối với từng vùng biển và thềm lục địa như thế nào? Trong từng vùng biển đó quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan quản lý, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển và người dân đến đâu? Quyền hạn và nghĩa vụ của tàu thuyền, phương tiện hoat động trên biển, cũng như công dân, tổ chức đang hoạt động trong các vùng biển và thềm lục địa của nước ven biển khác cụ thể là gì? Những vi phạm đã xảy ra trên từng vùng biển thì phải được xử lý theo đúng thủ tục, quy trình pháp lý như thế nào? Việc gì cần làm, việc gì không được làm…?
Sơ đồ vùng biển theo Công ước Luật Biển 1982 |
Nhân dân Việt Nam có truyền thông yêu nước, luôn luôn có ý thức bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dám hy sinh tất cả vì sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Quốc gia , Dân tộc…. Chính vì thế, trước những vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển trong thời gian qua, họ đã lên tiếng và đã có những hành động thiết thực, bổ ích đáng được trân trọng, khích lệ và cần nhân rộng.
Những người dân ngày đêm bám biển, những chiến sĩ cầm súng giữ đảo, họ phải am hiểu luật biển, hiểu bản chất vấn đề Biển Đông, phải nhận thức được rằng Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển và thềm lục địa của mình. Có như vậy họ mới chắc tay chèo, vững tay súng, sắc sảo tay bút….
"Muốn nhân dân nhận thức đúng, đủ, chúng ta phải tuyên truyền giáo dục liên tục"
Thưa ông, ông vừa nhắc đến khái niệm "hiểu đúng bản chất về Biển Đông", vậy chúng ta cần phải làm gì để người dân, cộng đồng quốc tế hiểu đúng bản chất vấn đề này?
TS Trần Công Trục: Tôi nghĩ rằng, vấn đề Biển Đông là vấn đề rất phức tạp, nhất là trong tình hình hiện nay. Trong khi đó nhận thức của người dân về Biển Đông mới chỉ được “đánh thức”, nhưng vẫn chưa hoàn toàn “tỉnh” . Theo tôi đối với vấn đề tuyên truyền cho người dân hiểu về Biển Đông không thể xem nhẹ. Việc tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, sâu sắc. Bất cứ hành động nào trên biển, bất cứ động thái nào đều cần phải tuyên truyền, bám sát để dân hiểu. Người dân có nhận thức đúng thì khi ra biển họ mới không mập mờ, dao động.
Tàu cá Trung Quốc "gây hấn" trên Biển Đông |
Riêng với giới trẻ, cần làm gì cho họ hiểu và có hành động thiết thực, đúng hướng trong tình hình vấn đề Biển Đông hiện nay?
TS Trần Công Trục: Đối với thanh niên, tôi nghĩ lực lượng trẻ là nòng cốt , tiên phong trong các vấn đề của Đất Nước. Giáo dục, tuyên truyền cho họ hiểu về luật biển, về bản chất tình hình Biển Đông trên cơ sở tư duy khoa học, khách quan, cụ thể… là điều cần được quan tâm nhất trong tình hình hiện nay.
Thế hệ trẻ hiện nay có nhiều vấn đề phải quan tâm, nhưng cần phải phát động các phong trào hướng ra Biển Đảo một cách thiết thực và sinh động , vì đây là vận mệnh dân tộc, vấn đề mất còn chủ quyền quốc gia. Lực lượng trẻ khi được trang bị hiểu biết về Biển Đông chính họ sẽ là những chiến sỹ , ngư dân, người làm báo…. chắc tay súng, vững tay chèo, sắc sảo tay bút… trưc tiếp hoặc gián tiếp tham gia mặt trận bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Đất Nước. Phong trào “Góp đá xây Trường Sa”, “Vì biển đảo quê hương”, “Tấm lưới nghĩa tình”…là những hoạt động đã thu hút đông đảo bạn trẻ, cần nhân rộng hơn và phải làm thường xuyên, liên tục …
Chương trình Góp đá xây Trường Sa |
Bài tiếp theo: TS Trần Công Trục: Tuyên truyền Biển Đông bằng chứng lý và luật pháp
Hồng Chuyên
(Thực hiện)