TS nông nghiệp và ước mơ Việt Nam thành “bếp ăn” của thế giới
Đó là nhận định của TS. Sử Thanh Long - Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đồng sáng lập Trang trại giáo dục EduFarm tại Xuân Mai, Hà Nội - Theo TS. Sử Thanh Long, nếu quyết tâm làm, chỉ 10-20 năm nữa thôi, củ tỏi trong bếp của gia đình người Mỹ, củ hành trong bếp của người Anh, hay hộp sữa tươi trong bếp của người Pháp đều là sản phẩm made in Vietnam.
Đến lúc đó nông nghiệp Việt mới xứng tầm thế giới, nhưng để làm được điều này, cần phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp, cần có nhiều hơn những người trẻ theo học ngành nông nghiệp, khi có đầu vào và đầu ra đạt chuẩn, nông nghiệp Việt Nam sẽ cất cánh. Với TS. Sử Thanh Long, EduFarm không phải là cái gì to tát, nhưng mô hình trang trại giáo dục này góp phần thức tỉnh tiềm thức đối với nông nghiệp sạch. Đó là lý do khiến ông và người anh trai của mình Sử Trường Sơn quyết tâm xây dựng EduFarm quy mô 4,5 ha. 2 anh em sinh ra trong gia đình có truyền thống làm khoa học nông nghiệp khi có bố là cố TS. Sử An Ninh từng là giảng viên ĐH Nông nghiệp Hà Nội.
EduFarm mang tinh thần Nhật nhưng ca ngợi văn hóa Việt Nam với các modul như: Văn hóa nhà Việt; thảm thực vật với trên dưới 700 loài cây; đa dạng động vật trong nông nghiệp; côn trùng, thủy hải sản; và vui chơi văn hóa Việt, bảo tàng nông nghiệp xưa và nay.
Những nông dân khoác áo blouse
“Mục tiêu ban đầu của chúng tôi chỉ là giáo dục cho học sinh về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán - PV) trong nông nghiệp sạch công nghệ cao. Thế nhưng thực tế đến nay khách đến thăm quan và học hỏi có rất nhiều người là nông dân và những người theo học công nghệ sinh học. Với những người nông dân đến học hỏi, chúng tôi đưa ra các mô hình bền vững trong nông nghiệp phù hợp cho từng đối tượng cụ thể,” TS. Sử Thanh Long chia sẻ.
TS. Long cho rằng sẽ có nhiều người đầu tư mở trang trại đẹp hơn và rộng hơn gấp hàng chục lần so với EduFarm. Nhưng vấn đề của các trang trại hiện nay là học sinh đến đó thăm quan mang tính chất giải trí nhiều hơn, không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến cả một nền nông nghiệp khi học sinh sau khi được trải nghiệm lại thấy e ngại với sự vất vả, lấm lem bùn đất của người nông dân.
Ruộng bậc thang tại EduFarm. Ảnh: NT |
“Chúng tôi muốn các em học sinh thấy rằng hình ảnh người làm nông nghiệp hiện đại không phải là hình ảnh khoác áo tơi ra đồng hay con trâu đi trước cái cày theo sau, mà là hình ảnh người nông dân khoác áo blouse bước vào phòng thí nghiệm, đi bắt sâu…. Chúng tôi cho cả học sinh và người lớn được bắt tay làm nông nghiệp thực sự, được trồng cây theo mô hình thổ canh, thủy canh và khí canh, được chứng kiến hệ thống tưới cây hẹn giờ, hệ thống phun mưa tự động khi nhiệt độ xung quanh thay đổi. Đây là công nghệ của nước ngoài nhưng sản xuất tại Việt Nam, mở ra phong trào ứng dụng IT trong nông nghiệp.,” TS. Sử Thanh Long nói.…. ”.
Đến nay, EduFarm dạy từ trẻ con đến người lớn tuổi nếu có nhu cầu. Với trẻ dưới 5 tuổi là cách phân biệt các loại rau, hoa quả, gia cầm, thủy cầm các loại… để bù đắp sự thiếu hụt về tư duy trong nông nghiệp cho trẻ. Với học sinh cấp 2 là cách phân biệt các giống lợn, nhưng với học sinh cấp 3 lại là về sự sinh sản của các giống lợn, thời gian xuất chuồng, hiện nay thị trường cần bao nhiêu tấn thịt lợn/ngày…
“Chúng tôi giảng dạy tại sao con bò ăn cỏ lại có thể cung cấp thịt, sữa cho người chăn nuôi, tại sao về mùa nóng, con chó thường thở hộc hộc, vì sao thả con vịt xuống nước thì nổi, còn thả con gà xuống nước lại chìm, tại sao lại gọi vịt là thủy cầm và gà là gia cầm… Chúng tôi còn giảng dạy về sự đa dạng của các côn trùng, tại sao phải trồng những ruộng hoa xen kẽ những cánh đồng lúa bát ngát, là bởi vì khi hoa nở sẽ thu hút thiên địch là các loài côn trùng như ong, bớm, ve… bay đến để tiêu diệt các sâu bệnh. Nếu như trước đây học sinh được nghe kể những câu chuyện cổ tích kể sự tích con cá trê đầu bẹp, sự tích con cá chày đỏ mắt, thì nay EduFarm sẽ giảng giải một cách khoa học dễ hiểu nhất,” TS. Long nói.
Ngoài ra, chương trình vui chơi văn hóa Việt, với các trò chơi dân gian cũng được sắp xếp mang tính giáo dục nhân văn. Chẳng hạn như lớp 7A và lớp 7B cùng thăm quan EduFarm và chơi trò kéo co. Thay vì sắp xếp hai lớp thi kéo co, dẫn đến tư tưởng hơn thua giữa hai lớp, EduFarm sắp xếp xen kẽ, để cả hai đội tham gia đều có học sinh của hai lớp. Như vậy, kéo co sẽ thuần túy là giáo dục thể chất chứ không phải câu chuyện được thua giữa các lớp.
Tham vọng của những người xây dựng nên trang trại là với 1.000 học sinh đến thăm quan, chỉ cần 5 học sinh trong số đó hứng thú với việc theo học ngành nông nghiệp, trong tương lai Việt Nam sẽ có những người tài như Lương Định Của.
TS. Sử Thanh Long: Với công nghệ hiện nay, chuồng trại chăn nuôi bò sẽ không còn có mùi khó chịu. Ảnh: NT |
Lựa chọn nào cho nông nghiệp Việt Nam?
Theo TS. Sử Thanh Long, nông nghiệp ngày nay phải hướng tới một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, bền vững, một nền nông nghiệp hữu cơ theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel... Nhưng cần phải rạch ròi, thế nào là hữu cơ, thế nào là hiện đại, thế nào là nông nghiệp bền vững.
Nếu làm nông nghiệp hiện đại mà không biết cách có thể sẽ giết chết cả một nền nông nghiệp. Bởi chúng ta có thể nhập máy bay về để phun thuốc trừ sâu, dẫn đến hiểm họa về môi trường cũng như sức khỏe người tiêu dùng. Nông nghiệp hiện đại theo đúng nghĩa là phải dưới dạng hữu cơ, phải đảm bảo bền vững, đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên không bị phá hủy, để thế hệ sau không phải trả giá cho những gì hôm nay chúng ta làm. Vậy, nông nghiệp hiện đại và nông nghiệp bền vững đang phục vụ cho nền nông nghiệp hữu cơ, có nghĩa là không sử dụng thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học.
“Nuôi hữu cơ là lấy phân con nọ bỏ vào mồm con kia. Ví dụ, con giun quế ăn phân con bò, con ngan ăn con giun quế, con cá ăn phân con ngan, hoặc phân con ngan bón cho cây rau, cuối cùng là người ăn rau, người ăn cá, ăn ngan…”
TS. Long khẳng định Việt Nam hoàn toàn đảm bảo an ninh lương thực cũng như xuất khẩu nếu đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ sẽ phun thuốc trừ sâu nếu có sâu bệnh, nhưng không phải là thuốc trừ sâu chứa hóa chất. Nông nghiệp hữu cơ ủ phân để tạo các vi sinh vật có lợi cho đất, cho cây, từ đó công nghệ hữu cơ sẽ đẩy nông nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới.
Có thể nói, áp dụng STEM vào nông nghiệp sẽ có vô vàn cái hay. Chẳng hạn như xu hướng hiện nay các trang trại chăn nuôi bò không hề gây ra mùi hôi thối, đó là nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc cho bò ăn các chất không gây mùi, góp phần đảm bảo môi trường xung quanh không bị ảnh hưởng bởi chăn nuôi.
Tuy nhiên, theo TS. Long, để học hỏi các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, cần xác định quốc gia nào phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam. Các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Israel đều có nền nông nghiệp hiện đại đáng mơ ước. Nhưng nếu học để có thể ứng dụng ngay cho Việt Nam thì chỉ có Hàn Quốc và Nhật Bản vì hai quốc gia này gần gũi với sự phát triển của Việt Nam. Thực tế cho thấy những nghiên cứu sinh đi học về lĩnh vực nông nghiệp từ Hàn Quốc và Nhật Bản đều được trọng dụng ngay khi về nước vì những cái họ học được ứng dụng ngay.