TS. Nguyễn Đình Cung: Tránh những "quả bom" kiểu Vinalines không khó
TS. Nguyễn Đình Cung: Tránh những "quả bom" kiểu Vinalines không khó
TS.Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận.
Còn bao nhiêu "Vinalines" nữa đang ẩn mình?
Cục Đăng kiểm trần tình trách nhiệm trong việc Vinalines mua ụ nổi
Lâu nay các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn được coi là "đứa con cưng", người dân chỉ biết tới khối DNNN như những "người khổng lồ", gánh vác trên vai trọng trách khá nặng nề như là công cụ điều tiết nền kinh tế, chứ ít ai ngờ rằng chính vì được nuông chiều quá, nên những "đứa con" đó trở nên hư hỏng. Trước tiên là Vinashin, rồi Vinalines, liệu sau hai "anh cả" trong ngành vận tải biển, trong khối DNNN sẽ còn những "Vina..." nào nữa bị phanh phui "bệnh tật" yếu ớt của mình?
Hơn ai hết, sự đổ vỡ của Vinashin và giờ là Vinalines là bài học thất bại đắt giá cho các bộ ngành quản lý về cung cách quản trị DN. Đáng tiếc, những sai phạm của hầu hết các DNNN lại không phải cơ quan chủ quản của những DN này phát hiện. Thế nên mới có sai sót đáng tiếc, trước khi những sai phạm lớn ở Vinalines bị vỡ lở, cơ quan quản lý vẫn quyết định "bơm" thêm 100.000 tỷ đồng cho Vinalines...
Điều này chứng tỏ cơ chế giám sát, quản lý của chủ sở hữu tại các DNNN cần phải nghiêm túc xem xét lại. Để chặn đứng những "Vina..." tiếp theo, buộc chúng ta phải rút ra kinh nghiệm và có thêm động lực để thay đổi trước khi quá muộn.
Trước khi sai phạm tại Vinalines vỡ lở, bộ chủ quản từng có ý định sẽ rót 100.000 tỷ để đầu tư cho DN này |
Có ý kiến cho rằng, chính vì sự chậm trễ cổ phần hóa khối DNNN dẫn tới những sai phạm không đáng có tại khối DN này, tôi cho rằng không hẳn vậy. Cổ phần hóa chỉ là một trong những bước đi để "thay máu" DNNN. Tránh những "quả bom" kiểu như Vinashin, Vinalines không khó. Vấn đề cốt lõi hơn và bao trùm toàn bộ câu chuyện nội tại của các DNNN hiện tại, là phải cân bằng được giữa kiểm soát và quyền tự chủ của chủ sở hữu Nhà nước.
Trong quá trình quản trị một DN sẽ luôn luôn tồn tại mâu thuẫn, nếu chủ sở hữu Nhà nước "quản" quá mạnh tay thì sẽ khiến quyền tự chủ giảm đi, còn nếu mở rộng quyền tự chủ thì lại lo bị pha loãng và khó kiểm soát.
Nhưng một khi năng lực kiểm soát của chủ sở hữu Nhà nước tại các DN này yếu đi thì một lựa chọn khôn ngoan hơn cả là tăng cường, bổ sung thêm lực lượng bên ngoài thay mặt Nhà nước kiểm soát.
Một trong những điều kiện để làm được, đó chính là phải công khai, minh bạch hóa thông tin thị trường để nhà đầu tư hiện tại (hay tương lai), các chuyên gia tư vấn độc lập, dân chúng... có cơ hội phân tích đánh giá thực lực thực sự của các DNNN. Từ đó tăng năng lực giám sát tại các DN này.
Điều này không chỉ giúp cơ quan Nhà nước tăng khả năng giám sát mà chính các DNNN sẽ phải chịu sự giám sát ngặt nghèo hơn. Quan trọng, nó sẽ giúp người dân hiểu và lên tiếng ngăn chặn kịp thời những sai phạm tại các DNNN, rồi xót xa khi hàng ngàn tỷ đồng tiền của dân đổ xuống sông xuống bể.
Về dài hạn, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNN, đồng thời nhanh chóng giảm bớt vốn sở hữu của Nhà nước tại số DNNN này. Điều này thì trong đề án tái cơ cấu đầu tư đã đề cập, "sẽ duy trì tỷ trọng đầu tư hợp lý của Nhà nước trong tổng cầu đầu tư toàn xã hội".
Thực hiện được rốt ráo quá trình này, Nhà nước sẽ có thêm nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực trọng yếu hơn thay vì chỉ loay hoay đi kiểm soát một vài DN. Tuy nhiên, dù nhận thức đã thay đổi, nhưng vẫn cần có thời gian chứ không thể ngay một lúc muốn là được ngay. Quá trình của sự thay đổi trải qua ba bước: nhận thức, chính sách và hành động. Giờ chúng ta mới đi được 2/3 quãng đường...
Trường Giang
(ghi)