TS. Nguyễn Bách Phúc phản bác thông tin máy bay rơi gần đảo Việt Nam
Ông lý giải: “Để xác định vị trí máy bay rơi phải có rất nhiều các thông tin bao gồm thông tin về lý do mất liên lạc. Có phải bị cướp hay không, hay chỉ hỏng bộ phận thông tin liên lạc. Hiện tại, thông tin chúng ta có được chỉ là vị trí mất liên lạc. Các nhà khoa học, cơ quan chức năng sẽ tính toán thời gian có thể rơi xung quanh những điểm mất liên lạc đó. Nếu chỉ là mất liên lạc do hỏng thiết bị, các bộ phận khác vẫn hoạt động thì phi hành đoàn sẽ chọn sân bay gần nhất để hạ cánh, hoặc nếu do ảnh hưởng các thiết bị điều khiển, theo quán tính máy bay sẽ rơi theo hướng bay...".
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. Hồ Chí Minh |
Ông Phúc cũng phản bác những thông tin máy bay sà xuống gần khu vực đảo Hòn Chuối mà một tờ báo khác đã đăng tải. Theo lập luận của ông, chiếc máy bay này chỉ mang lượng nhiên liệu đủ cho 7,5 giờ bay và tính từ lúc nó cất cánh (00h41 ngày 8/3) thì lượng nhiên liệu này đã hết trước khi "người dân nhìn thấy máy bay sà xuống gần đảo Hòn Chuối" là hơn 2 tiếng.
Ông hài hước: “Máy bay không thể đỗ trên mây rồi đợi đến 10h00 mới sà xuống gần khu vực đảo Hòn Chuối được".
Ông cũng khẳng định thêm: “Ngay khi có thông báo về mất liên lạc máy bay, các đơn vị quân đội Việt Nam đã có những thông báo, không thể có chuyện, máy bay hạ cánh xuống đảo Việt Nam (như lời của người phát ngôn hãng hàng không Malaysia) mà Việt Nam không hề hay biết”.
Trước đó, theo thông tin từ Trung tâm cứu hộ, cứu nạn nhận lệnh và đã điều tàu SAR 413 với 18 thuyền viên lên đường ra vị trí dự báo bị nạn lúc 14h30 ngày 8/3. Tàu SAR 413 là phương tiện có đủ nhiên liệu, trang thiết bị để tới nơi và thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn nếu có yêu cầu.
Dự kiến với quãng đường 500 hải lý (xuất phát từ Vũng Tàu) thì thời gian ra tới nơi sẽ khoảng 30 tiếng.
Cơ quan quản lý hàng hải Malaysia cho biết phía Malaysia đã cử 1 máy bay, 2 trực thăng và 4 tàu thủy tìm kiếm các vùng biển phía đông ở Biển Đông.
Trong lúc này, tờ Thanh Niên đưa tin, ông Nguyễn Văn Phát - Chính ủy hải quân Vùng 5 cho biết, 2 tàu của hải quân đã được lệnh xuất phát đi cứu hộ cứu nạn vụ máy bay của Malaysia bị rơi. Trong đó, có 1 tàu vận tải và 1 tàu chuyên cứu nạn cứu hộ.
Và vào lúc 14h30, chiếc máy bay AN-26 số hiệu chuyến bay 286 thuộc Trung đoàn 918 (Quân chủng phòng không không quân) chính thức cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất để tìm kiếm ứng cứu chiếc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines. Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 917, Sư đoàn Không quân 370 cho biết: sau khi nhận lệnh, đã chuẩn bị 3 máy bay và các tổ bay sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.
Đến 15h00 cùng ngày, chiếc trực thăng Mi 171 số hiệu 02 đã cất cánh. Chiếc máy bay thứ hai với số hiệu 281 cũng đã lên đường không lâu sau đó.