TS Khuất Thu Hồng: Chả lẽ hoa hậu thì không có quyền "đái khai"?
TS. Khuất Thu Hồng |
Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói
Câu chuyện mọi cử chỉ hành vi từ cách ăn, áo mặc cho đến dáng ngủ… của người nổi tiếng được dư luận "săm soi" kỹ càng không hề mới. Nhưng cùng với sự "tiếp sức" của mạng xã hội, chuyện "ăn, ngủ, tác phong của người nổi tiếng" càng bị dư luận mổ xẻ nhiều hơn và kèm theo đó là nhiều điều tiếng hơn. Phải chăng xã hội đang quá khắt khe với những người của công chúng?
Phóng viên Infonet đã mang câu hỏi này tới TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) để thử tìm ra một lời lý giải. Bà Hồng cho rằng, sự khắt khe hay thông cảm của xã hội đối với người nổi tiếng phụ thuộc vào việc nó đã được báo chí định hướng như thế nào chứ không nên người ta ngủ cũng soi mói để chộp những cử chỉ hớ hênh mà họ không thể kiểm soát rồi hả hê đưa lên.
Điều đáng trách ở đây là những người đã chụp ảnh rồi được “tiếp tay” bởi một số trang mạng phát tán ảnh khiến cho người bị chụp trộm bị dư luận “ném đá”. TS Hồng cực lực phản đối điều này, bà cho rằng, đây là hành vi ngu ngốc và vô nhân đạo.
“Khác nào kêu ầm lên là sao nước đái của hoa hậu lại khai thế - cứ làm như hoa hậu thì không có quyền đái khai” – TS Hồng nhấn mạnh.
Đối với hành vi của cô ca sĩ mới đây cho con đái vào túi nôn, TS Hồng cho rằng, đây là hành vi bất đắc dĩ. Có thể đưa cháu bé vào nhà vệ sinh thì không kịp hoặc cháu quá nhỏ dùng nhà vệ sinh có thể không tiện, nguy hiểm.
TS Hồng cũng đặt câu hỏi ngược lại rằng: Trong một số gia đình họ cho cháu bé tè vào chai Lavie, thì có gì khác? “Tôi luôn thông cảm với những bà mẹ nuôi con nhỏ. Dĩ nhiên tôi không đồng ý việc một số bà mẹ xi con đái, ị ở vỉa hè. Ở trên máy bay có ít lựa chọn nên có thể thông cảm được. Cô ấy không cho con tè vào cốc uống nước là tốt rồi”– TS Hồng nói.
Vì thế, theo TS Hồng, hành vi của những người chụp ảnh, rồi được các trang mạng đăng tải vô tình khuyến khích thói tò mò, sự ác ý và các bình luận vô trách nhiệm về người khác.
Các cụ xưa đã nói "uốn lưỡi 7 lần trước khi nói", thậm chí "lời nói đọi máu". Trước khi phát ngôn về ai hoặc đưa hình ảnh về ai thì hãy đặt mình vào vị trí của họ và nghĩ mình sẽ ra sao? Chưa kể việc chụp trộm người khác là phi pháp và phi đạo đức. Nếu người bị hại kiện lại thì bạn sẽ gặp rắc rối? Lúc đó dư luận sẽ quay lại cười nhạo và phỉ báng chính người chụp ảnh.
Vì thế, theo TS Hồng, không cần phải đợi những người nổi tiếng bị soi mói đời tư lên tiếng mà xã hội hãy tẩy chay các bài báo đó, tẩy chay cách đưa tin đó.
Không nên đánh giá sự việc bằng hình thức bên ngoài
Một chuyên gia tâm lý cho rằng, chúng ta đôi khi hay đánh giá sự việc bằng hình thức bên ngoài. Vì thế kết quả sẽ nhận được cũng chỉ là vẻ bề ngoài. Tuy nhiên, qua lăng kính của mạng xã hội, nhiều khi ấn tượng mạnh nhất chỉ là phần nổi của tảng băng.
“Bản thân mạng xã hội, hay bất kỳ tiến bộ công nghệ nào, đều là trung tính. Nó tốt hay xấu chủ yếu phụ thuộc vào người sử dụng. Trong nền tảng một xã hội vẫn thích soi xét, đánh giá người khác qua bề ngoài, mạng xã hội nhiều khi trở thành một “pháp trường” nơi đám đông mặc nhiên thể hiện sự tàn nhẫn. Họ ném đá những người họ không thích, bất kể đúng sai. Họ soi mói đời sống riêng tư, thậm chí thích thú trước nỗi khổ của người khác. Gõ phím xong, họ có thể quên lơ mọi thứ, rời khỏi ghế và sống cuộc sống thực của mình. Họ coi thế giới ảo như một trò chơi, phủi tay tắt máy là câu chuyện kết thúc. Nhưng mạng xã hội không phải là trò chơi. Hậu quả của những việc tưởng như vô bổ trên mạng tàn khốc hơn nhiều” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Rõ ràng, tiến bộ công nghệ, như mạng xã hội, đã mang lại nhiều quyền năng cho con người, nhưng quyền năng phải đi kèm với trách nhiệm. Phía sau những nút share, click, comment vô hồn là cả một xã hội ở đó có không ít những cá nhân chỉ vì thói thích soi mói của thiên hạ khiến họ bị hủy hoại công danh, sự nghiệp thậm chí tính mạng.
Vì thế, mỗi cá nhân cần lắm sự có trách nhiệm với lời nói, hành vi mà mình đưa ra, đặc biệt đối với những nhà báo. TS Khuất Thu Hồng cho rằng, những nhà báo thích soi mói bới móc đời tư của người khác để kiếm tiền thực chất là những người kém cỏi, bất tài và có vấn đề về đạo đức. Trên đời còn nhiều vấn đề quan trọng (kinh tế, xã hội) họ có thể khai thác, tại sao không giành thời gian tâm trí để nghiên cứu, học hỏi và viết về những vấn đề đó mà lại chạy theo những thị hiếu tầm thường của một số người bằng cách soi mói đời tư của người khác. Những nhà báo như vậy đã làm trái với nhiệm vụ của báo chí.
“Những nhà báo thực tài hãy thu hút độc giả bằng trí tuệ của mình chứ đừng câu view bằng tai nạn của người khác. Nhà báo không thể đứng trên đạo đức xã hội vì bất kỳ lý do gì. Theo đó, báo chí dù là báo in hay báo mạng phải thúc đẩy những giá trị xã hội tốt đẹp chứ không nên khuyến khích những thói xấu của con người” – TS Hồng nhấn mạnh.