TS Bùi Hoài Sơn: Biếu quà Tết nội, ngoại đang trở nên phiền phức!
PGS. TS Bùi Hoài Sơn |
PV: Mỗi độ Tết đến, Xuân về, nhiều gia đình (đặc biệt những gia đình trẻ) lại rơi vào khủng hoảng, thậm chí không ít gia đình vợ chồng rơi vào “chiến tranh lạnh” chỉ vì chuyện biếu quà Tết 2 bên nội, ngoại. Theo ông vì sao lại có câu chuyện này?
TS Bùi Hoài Sơn: Việc biếu quà Tết là truyền thống của người Việt, truyền thống này trong thời gian gần đây có sự thay đổi.
Trước kia việc biếu quà Tết có những “chế tài” nhất định rồi như: đôi gà trống, con lợn hay một số ít tiền mang tính chất tượng trưng... Bây giờ giá trị của đồng tiền đang chi phối quá nhiều vào câu chuyện tặng gì vào dịp Tết. Trong khi đó, người ta có quá nhiều lựa chọn tặng gì vào dịp Tết mà không nhất thiết phải như ngày xưa - với những món quà tương đối cố định. Điều này khiến cho việc biếu quà Tết trong bối cảnh hiện nay trở nên phiền phức.
PV: Nếu thực sự phiền phức như vậy, theo ông chúng ta có nên thay đổi không?
TS Bùi Hoài Sơn: Phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế hiện nay, giá trị của đồng tiền chi phối mọi chuyện… Bây giờ tặng quà, biếu quà không chỉ còn là hình thức. Hai bên nội ngoại thậm chí người trong cuộc (các con, bố mẹ, hàng xóm- PV) người ta cũng xem xét xem món quà tặng đấy có giá trị hay không, có xứng đáng hay không đặc biệt có sự so kè giữa các gia đình với nhau.
Theo đó sẽ xảy ra sự so sánh ngay trong gia đình (con này biếu nhiều, gia đình con kia biếu ít) hay so sánh giữa các gia đình với nhau (nhà ông A các con biếu quà Tết bố mẹ nhiều lắm…).
Những câu chuyện ấy cứ cuốn người ta vào một vòng xoáy của sự so bì khiến cho câu chuyện tặng quà Tết của chúng ta hiện nay thực sự là vấn đề cần có điều chỉnh. Tuy nhiên đây vẫn là một nét truyền thống mà chúng ta nên tôn trọng.
PV: Ông nói đây là một truyền thống nên tôn trọng nhưng cần có sự điều chỉnh. Vậy việc điều chỉnh ở đây cụ thể là gì, thưa ông?
TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta cần điều chỉnh làm sao để cho việc biếu quà Tết mang tính chất tượng trưng. Việc báo hiếu quan trọng hơn là thuần túy tặng quà/biếu quà mang tính vật chất.
Báo hiếu có nghĩa là không chỉ trong gói quà, món tiền trong dịp Tết mà báo hiếu được thể hiện ở tấm lòng thành kính đối với bố mẹ. Tấm lòng thành kính được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất trong dịp Tết không chỉ là biếu bố mẹ những đồ vật có giá trị lớn rồi sau đó bỏ bố mẹ ở nhà một mình. Báo hiếu không có nghĩa chúng ta đáp lễ bố mẹ cho có lệ rồi sau đó mỗi người một nơi, mỗi người một việc.
Thứ hai, việc báo hiếu không chỉ trong dịp Tết mà còn ở trong các ngày khác trong năm. Hiện nay, khi các phương tiện liên lạc phát triển, chúng ta tưởng rằng hàng ngày có thể nói chuyện với bố mẹ, hàng ngày có thể kết nối với bố mẹ qua điện thoại các phương tiện khác nhau như thế là đủ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của riêng tôi nó là chưa đủ, vì sự kết nối qua điện thoại, hay hết nối từ xa ấy nó có bản chất khác, tính chất khác.
Nhiều khi bố mẹ chỉ cần các con ở bên cạnh ăn một bữa cơm, ở với bố mẹ một vài giờ quý trọng hơn nhiều ngày nào chúng ta cũng gọi điện thoại nhưng không đến với bố mẹ.
Tất nhiên trong xã hội đang chuyển đổi sẽ xảy ra những tình huống, câu chuyện như thế mà phải qua một thời gian chúng ta mới điều chỉnh được. Tuy nhiên chúng ta nên bắt đầu tư bây giờ, bắt đầu từ hôm nay.
PV: Nói thì có vẻ dễ nhưng thực hiện xem ra không đơn giản khi xã hội đang thay đổi mau chóng với những giá trị vật chất, giá trị hiện đại đang chi phối rất nhiều đến các mối quan hệ trong văn hóa ứng xử ở mỗi gia đình. Và rõ ràng, sự thay đổi phải xuất phát từ nhiều phía…
TS Bùi Hoài Sơn: Đúng vậy, sự thay đổi phải được thể hiện ở tất cả các bên: bố mẹ, con cái. Trong đó với các bậc sinh thành, công việc báo hiếu không nên có sự so sánh giữa con nọ với con kia, con trai cũng như con gái, con dâu cũng như con rể.
Với những người con cũng cần thay đổi nhận thức trong cách thức, thái độ, tình cảm trong câu chuyện báo hiếu này. Theo đó, vợ chồng nên có bàn bạc, thảo luận kỹ với nhau trước khi đưa ra quyết định biếu quà Tết hai bên nội, ngoại làm sao phù hợp với chính khả năng tài chính của mình. Và quan trọng hơn hết, hãy giành thời gian đến thăm bố mẹ trong năm, chứ không nên đợi đến Tết mới đau đầu với quà, tiền biếu Tết.
Xin cảm ơn ông!