"Đau lòng vì chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay"
Sáng 10/6/2015, tại Hà Nội, Khoa Báo chí & Truyền thông - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn phối hợp với Quỹ Konrad Aderiauer Stiftung (KAS) tổ chức Hội thảo khoa học "Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số".
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: B.M. |
Tại Hội thảo, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương buồn rầu chia sẻ: "Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay. Có người giờ không dám nhận là nhà báo vì báo chí sai sự thật quá nhiều. Có những cái sai không ngờ. Ví dụ, có nhà báo nghe vợ đi chợ về nói là có tin đồn bố chồng dan díu với con dâu, về cũng làm tin đăng phát trên đài Quốc gia".
"Vừa rồi trong một cuộc hội thảo bàn về nguyên nhân sai sót của báo chí, các ý kiến đã tổng kết rằng có tới 6 nguyên nhân. Nhưng theo tôi thì chỉ có 2 nguyên nhân. Một là nhiều tờ báo in rất khó khăn về tài chính nên số phụ và trang điện tử ra quá nhiều, cái sai chủ yếu ở đó. Hai là con người làm báo, trong đó, nhiều phóng viên, nhà báo còn thiếu trách nhiệm rèn luyện đạo đức người làm báo, nhiều chủ quản thì lơ mơ, và trong sự giám sát không nghiêm túc thì có trách nhiệm của tổng biên tập", nhà báo Hữu Thọ chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cũng cho rằng thực tế báo chí thời gian qua có nhiều câu chuyện đáng báo động về xu hướng làm báo cẩu thả, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, coi thường độc giả, làm ảnh hưởng tới tính nhân văn của báo chí, làm cho người dân sợ báo chí, không hợp tác với báo chí, độc giả không còn niềm tin vào những gì báo chí đăng. Khi công chúng báo chí không còn tin vào báo chí thì vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí sẽ không còn đạt hiệu quả như mong muốn.
Để xây dựng một nền báo chí đạo đức chuyên nghiệp, mang đậm chất nhân văn, ông Lưu Đình Phúc khuyến nghị: Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh bằng pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, cần tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo hoặc đào tạo lại để nâng cao nhận thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, từ đó hình thành cơ chế tự điều chỉnh trong việc thực hiện các quy phạm đạo đức nghề báo.
Mặt khác, hoàn thiện các bộ quy tắc đạo đức nghề báo của người làm báo Việt Nam theo hướng chi tiết, cụ thể. Trên cơ sở đó, các hội nhà báo, cơ quan báo chí xây dựng cho mình bộ quy tắc đạo đức nghề báo hoặc quy định về những việc được làm và khuyến cáo những việc không được làm, đề ra quy định khen thưởng và xử phạt, áp dụng một cách nghiêm khắc để răn đe, uốn nắn phóng viên.
Trong giao ban báo chí hàng tuần, cần tập trung nhận xét, lưu ý cơ quan báo chí về đạo đức nghề báo, đồng thời có văn bản nhắc nhở cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề báo.