Truyền thông Trung Quốc: Dọa Việt Nam, nói xấu Nhật, 've vãn' Malaysia
Dọa dẫm Việt Nam
Sau vụ 40 tàu Trung Quốc bao vây và đâm chìm một tàu cá của Việt Nam, truyền thông Trung Quốc không những không có bất cứ lời lẽ thiện chí nào mà còn tiếp tục vu khống Việt Nam.
Truyền thông Trung Quốc đang bịa đặt rằng tàu cá Việt Nam có hành vi “quấy rối”, bất chấp sự chỉ trích của truyền thông thế giới vì Trung Quốc mới là kẻ có những hành vi tấn công hung hãn trên vùng biển của Việt Nam.
Tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đối mặt tàu Hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh: AFP) |
Tờ Tin tức Bắc Kinh đã trắng trợn tuyên bố rằng “tàu cá Việt Nam đã bị đánh chìm khi đang cố gắng lao vào giàn khoan của chúng ta. Toàn bộ thủy thủ đoàn đã được cứu sống, Trung Quốc cảnh cáo Việt Nam hãy dừng ngay các hoạt động gây rối”.
Thực tế những ngày qua, Trung Quốc mới là kẻ chủ động gây rối và tấn công Việt Nam, từ việc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt bất hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam cho đến việc tấn công vô nhân đạo các tàu thực thi pháp luật và tàu dân sự của ngư dân Việt Nam.
Cùng luận điệu đó, tờ Nhật báo Tuổi trẻ Bắc Kinh nói rằng Việt Nam đã “phớt lờ cảnh báo” và gây rối xung quanh giàn khoan Hải Dương 981. Nhật báo này đã lu loa lên vu vạ Việt Nam “khiêu khích” và Trung Quốc đang cố “kiềm chế, kiểm soát tình hình”.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc sẽ không thể “một tay che trời”. Những hành động dùng vòi rồng bắn phá, những bằng chứng đâm va của Trung Quốc đối với tàu Việt Nam đã được nhiều nhà báo quốc tế ghi lại, công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc gần đây còn dẫn lời của Li Guoqiang, một nhà sử học của Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh, đưa ra những lời lẽ xúc xiểm, nhằm làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam.
Học giả này có những phát ngôn thất thiệt, đổ vạ rằng Việt Nam đang “quấy rối nhằm phá hoại các doanh nghiệp Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền đối với (thứ mà ông ta gọi là) vùng biển của Trung Quốc”.
Luận điệu này tiếp tục được một học giả khác, Liu Heping, áp dụng khi lên hình trong một chương trình bình luận của kênh truyền hình vệ tinh Thẩm Quyến.
Hung hãn hơn, Liu Heping còn lớn tiếng dọa dẫm rằng các tàu của Việt Nam “không có lý do gì để tập trung ở khu vực này. Nếu còn tiếp tục, Trung Quốc sẽ không chùn tay khi đối mặt với thách thức, sẽ trả đũa hay thậm chí là tiếp tục đánh chìm tàu Việt Nam”.
Tờ thời báo Hoàn Cầu, tờ báo nổi danh với thái độ hung hăng và tinh thần cực đoan của mình, đã dẫn lời một nhân vật khác, được cho ra chuyên gia hàng hải – Wang Xiaopeng, của Trung Quốc đe dọa Việt Nam rằng nếu Việt Nam muốn “học theo Philippines để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, rất có thể nước tiếp theo thưa kiện sẽ chính là Trung Quốc”.
Chỉ trích Nhật Bản
Đi liền với những lời dọa dẫm Việt Nam, truyền thông Trung Quốc còn đang nổi xung với Nhật Bản, không ngừng chỉ trích quốc gia này vì Nhật đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
Gần đây nhất, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga đã lên tiếng kêu gọi “các nước liên quan nên dừng ngay những hành động đơn phương leo thang căng thẳng”.
Đáp lại lời kêu gọi khách quan đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương, đã suy diễn thành lãnh đạo Nhật Bản đang cố “nước đục buông câu và nhằm những động cơ kín đáo khác”.
Hãng tin Tân Hoa xã cũng đưa tin theo hướng công kích rằng Nhật đang “cố tái cân bằng quyền lực trong khu vực bằng cách hỗ trợ Philippines và Việt Nam”.
“Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cung cấp những khoản trợ cấp nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa cho các nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc”, hãng tin này đưa lời bình luận đầy tính định hướng.
Trên thực tế, Nhật chỉ truyên bố sẽ có một vài hỗ trợ để giúp tăng cường ổn định và hòa bình, đảm bảo tự do và an toàn hàng hải trong khu vực.
Tờ Ta Kung Pao cũng “tranh thủ” đưa ra những luận điệu vừa công kích vừa gây hoang mang, chia rẽ, đồng thời cáo buộc Nhật Bản “đi đêm” với các nước Đông Nam Á để gây căng thẳng với Trung Quốc.
Đồng thời, tờ báo này đưa ra nhiều lời lẽ có tính chất kích động, gây hấn, soi móc lịch sử để bới lông tìm vết trong mối quan hệ Việt-Nhật nhằm phục vụ cho mục đích tuyên truyền của mình.
"Ve vãn" Malaysia
Không lâu trước đây, khi vụ việc chiến máy bay MH370 mất tích, Trung Quốc đã không tiếc lời chỉ trích lãnh đạo Malaysia, nhằm xoa dịu lòng dân trong nước.
Giờ đây, khi ngoài Biển Đông nổi sóng, giới chức Trung Quốc lại bất chợt trở nên “nồng ấm” với Malaysia. Tuần này, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đang có chuyến thăm Trung Quốc nhân dịp 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Trung Quốc.
Cả thời báo Hoàn Cầu và Nhân dân Nhật Báo của Trung Quốc đều chạy những tít bài chào mừng chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia một cách “ấm áp và thân thiện”.
Hai tờ báo này cho biết, nội dung chủ yếu của cuộc hội đàm của lãnh đạo cấp cao hai bên, ngoài về việc tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích, là những vấn đề liên quan đến Hội nghị cấp cao ASIAN sẽ diễn ra tại Malaysia vào năm 2014.
Nhân dịp này, Wang Chungui, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đã tranh thủ “ve vãn” Malaysia rằng “Trung Quốc và Malaysia có chung một góc nhìn về vấn đề Biển Đông ở góc độ phản đối sự ‘can thiệp từ bên ngoài’ vào khu vực”, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết.