Trưởng ban Tuyên giáo TW: Cần xem xét vấn đề "bán sóng, bán kênh, bán măng séc"
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng lưu ý một số thách thức đối với báo chí trong năm 2017.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị Báo chí toàn quốc. |
Cụ thể, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với nền tảng công nghệ số hóa, dẫn tới công nghệ truyền tin, chia sẻ thông tin tác động lớn đến tác nghiệp của người làm báo.
Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, có nhiều biểu hiện mới, thậm chí ngược lại xu hướng truyền thống. Trong bối cảnh này, nếu đội ngũ phóng viên không cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương thức làm báo, trau dồi bản lĩnh thì sẽ tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu.
“Hiện một số nhà báo có kiến thức dưới mức trung bình kiến thức của xã hội, như vậy làm sao khai sáng, dẫn dắt, định hướng, có sản phẩm hay?”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trăn trở đặt câu hỏi.
Một thách thức đáng chú ý khác là sự tác động rất sâu của doanh nghiệp và lợi ích nhóm vào báo chí đang làm biến dạng nền báo chí cách mạng. Báo chí cách mạng phải đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên, bảo vệ lẽ phải, làm sao giữ được cốt cách của nền báo chí cách mạng.
“Vụ "nước mắm" (hàng loạt báo chí bị xử phạt vì đưa thông tin sai sự thật về việc nước mắm truyền thống bị nhiễm arsen - PV) là chuyện rất nhỏ trong chuyện xâm nhập lợi ích nhóm của doanh nghiệp vào báo chí. Nhiều vụ lớn hơn nhiều nhưng không đủ bằng chứng để xử lý. Điều này đặt ra yêu cầu cho cơ quan chủ quản và báo chí phải rà soát đội ngũ của mình”, đồng chí Võ Văn Thưởng nói.
Toàn cảnh hội nghị. |
Thách thức lớn thứ ba là biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong chính đội ngũ những người làm báo.
“Gần đây bộc lộ tình trạng nhiều nhà báo sống 2 mặt. Một mặt là nhà báo viết bài báo rất hay, một mặt là Facebooker viết những lời lẽ xấu xí nhất, chửi bới hết người này đến người khác.
Mới đây Công ty Indochina Research nghiên cứu 700 phiếu ở TP.HCM và Hà Nội đo lường độ tin cậy của xã hội và người dân về 10 ngành, thì nhà báo xếp ở vị trí số 1 về thiếu tin cậy nhất, thứ 2 là cò bất động sản. Tôi mong kết quả này không chính xác. Song đây cũng là kết quả tham khảo có giá trị với các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phân tích.
Ngoài ra, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương còn lưu ý thêm về vấn đề kinh tế báo chí, truyền thông: “Chỉ tính riêng lĩnh vực quảng cáo trên báo chí và truyền thông, thị trường này ở Việt Nam cũng vài trăm triệu USD. Nhưng thực tế nhiều hãng truyền thông, công ty ở nước ngoài đang chi phối và hưởng lợi, còn trong nước hưởng lợi không được bao nhiêu. Đây là cái cũng cần phải nghĩ đến”.
Cũng tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ rõ một số công việc cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý là phải kịp thời, thống nhất, thuyết phục trong chỉ đạo và định hướng thông tin.
“Trong chỉ đạo định hướng, có vấn đề cơ chế phản hồi thông tin của báo chí. Ban Tuyên giáo Trung ương vừa rồi thống kê thấy trong năm có nhiều vấn đề báo chí phát hiện nêu ra, nhưng còn nhiều vấn đề giờ vẫn chưa có trả lời, có thể nói đó là món nợ đối với báo chí.
Ví dụ vụ "nước mắm", xử báo chí xong rồi, phạt xong rồi, vậy Hội Người tiêu dùng xử sao, Chính phủ giao Bộ Công an điều tra ai đứng sau, vậy điều tra thế nào, kết quả ra sao? Cần phải tiếp tục, không thể bỏ lửng”, đồng chí Võ Văn Thưởng thẳng thắn nói.
Một công việc quan trọng nữa là phải cố gắng làm cho sớm quy hoạch báo chí theo tinh thần quy hoạch để phát triển. Cần rà soát lại để xem xét xử lý cho đầy đủ, thỏa đáng vấn đề các trang tin điện tử, các báo điện tử. Để càng lâu càng khó xử. Cùng với đó, cần xem xét vấn đề bán sóng, bán kênh, bán măng sec bản chất là gì.
Liên quan tới câu chuyện kinh tế báo chí, sự dẫn dắt của các công ty truyền thông nước ngoài đối với vấn đề xếp hạng (ranking) xem cơ quan báo chí nào có nhiều hoặc ít độc giả, đo lường tác động của báo điện tử..., đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị “Nhà nước phải nắm giữ vai trò, không để “mặt trận” này cho công ty truyền thông nước ngoài. Chuyện này khó nhưng khó mấy cũng phải làm”.
Ngoài ra, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương còn đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, trình độ chuyên môn của người làm báo; Triển khai quy định về đạo đức nghề nghiệp...