Trung Quốc tuyên bố nhân bản vô tính thành công con mèo đầu tiên
Garlic - chú mèo nhân bản vô tính đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Sinogene Technology |
Garlic - chú mèo nhân bản vô tính đầu tiên của Trung Quốc - ra đời ngày 21/7. Garlic thuộc giống mèo Anh lông ngắn, là tác phẩm của Sinogene Technology. Công ty này nổi tiếng với các dự án nhân bản chó. Nhờ vào Garlic, Sinogene Technology sẽ cung cấp dịch vụ nhân bản mèo bên cạnh dịch vụ nhân bản chó hiện tại.
Khách hàng muốn nhân bản mèo của mình phải bỏ ra 35.400 USD, trong khi số tiền để nhân bản chó là 53.800 USD. Công ty cho biết đã nhân bản 20 con chó và dự định nhân bản 500 con chó/năm trong 5 năm tới.
Năm nay, Sinogene Technology cũng tham gia vào việc tạo ra con chó nhân bản Kunxun, sử dụng DNA từ chú chó cảnh sát có tên Huahuangma. Huahuangma được cảnh sát nhận xét là “nghìn con mới có một”.
Bản gốc của Garlic |
Sinogene cho rằng nhân bản là phương pháp bảo tồn gene của các loài vật, giúp giảm chi phí đào tạo. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Một bình luận trên Weibo viết: “Cơ thể có thể nhân bản còn tâm hồn thì không”. Bản thân Barbara Streisand, nữ ca sỹ đã nhân bản vô tính con chó của mình, cũng thừa nhận tính khí của con thú được nhân bản rất khác bản gốc.
Ngoài tính cách, vẻ ngoài của con vật được nhân bản cũng có thể khác biệt. Chẳng hạn, con mèo nhân bản đầu tiên có tên CC lại có bộ lông khác với bản gốc.
Nhân bản thú cưng là ngành kinh doanh gây tranh cãi nhưng có tiềm năng lợi nhuận không nhỏ. Tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều người nuôi chó mèo. Theo Hiệp hội sản phẩm vật nuôi Trung Quốc, có khoảng 50 triệu con chó được đăng ký trên cả nước. Ngoài ra, là nước có nhiều triệu phú thứ hai thế giới, Trung Quốc có vô số người đủ điều kiện sử dụng dịch vụ nhân bản.
Dù vậy, các nhà khoa học lên tiếng quan ngoại về sự an toàn của những con chó được dùng để tạo ra nhân bản vô tính. Chúng được nhốt trong các phòng thí nghiệm, tiêm hormone và thường phải trải qua phẫu thuật để nhân bản phôi.
Song, những khó khăn kể trên không làm nhụt chí các nhà khoa học, đặc biệt tại Trung Quốc. Năm 2018, các nhà khoa học nước này đã nhân bản thành công khỉ và chuột từ vật liệu gene của hai con cái.