Trung Quốc 'thổi phồng' sự tăng trưởng thương mại?
Trong tháng 4/2013, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 14,7% so với cùng kì năm trước. Nhập khẩu cũng tăng 16,8%.
Các dữ liệu trên có nghĩa là Trung Quốc đã đạt thặng dư thương mại, đảo ngược tình trạng thâm hụt bất ngờ của tháng trước đó (3/2013). Trong tháng 4/2013, thặng dư thương mại của Trung Quốc là 18,2 tỷ USD, sau khi thâm hụt bất ngờ 884 triệu USD hồi tháng 3.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về tính chính xác của dữ liệu.
Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của hãng Nomura tại Hồng Kông cho biết: "Tôi không tin lắm vào việc dữ liệu này phản ánh đúng thực tế".
Trong những tháng gần đây, dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc đã chỉ ra những dấu hiệu tích cực rằng nhu cầu từ nước ngoài đã dần được phục hồi. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu của các nước châu Á khác, chẳng hạn như Hàn Quốc và Đài Loan thì lại bị sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu chậm lại.
Nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng một số nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể đã phóng đại tình hình kinh doanh của mình để tránh những hạn chế về lượng vốn mà họ đang mang vào nước này.
Xuất khẩu, sản xuất là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc |
Trung Quốc, đất nước hiện đang kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn trong và ngoài nước, đã công bố những động thái mới nhằm kiểm soát những dòng chảy bất hợp pháp.
Hôm 5/5, Cục Quản lý Ngoại hối (SAFE) cho biết sẽ tăng cường giám sát các hoá đơn xuất khẩu và xử phạt cứng rắn hơn đối với các công ty cung cấp sai số liệu.
Ông Zhang nói: “SAFE gần đây đã đưa ra những quy định mới để kiểm soát các dòng chảy vào ngụy trang dưới hình thức thanh toán thương mại. Tôi nghi ngờ về dữ liệu thương mại này".
Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế khi gần đây có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trong 3 tháng đầu của năm 2013 chỉ có 7,7%, chậm hơn so với 7,9% của 3 tháng cuối năm 2012.
Các nhà phân tích cho rằng dù nền kinh tế Trung Quốc đã có một số dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn rất mong manh khi dẫn ra chỉ số quản lý thu mua (PMI) được công bố tuần trước, trong đó cho thấy tốc độ tăng trưởng trong khu vực nhà máy khổng lồ của Trung Quốc chậm lại trong tháng 4/2013, khi đơn hàng xuất khẩu mới giảm.
Một số nhà phân tích cho biết, dữ liệu trong vài tháng tới sẽ thể hiện chính xác hơn về tăng trưởng thương mại của Trung Quốc, và sức khỏe tổng thể của nền kinh tế nước này.
Shen Lan, một chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Standard Chartered ở Thượng Hải cho biết: "Khi Bắc Kinh thắt chặt kiểm tra các dòng tiền chảy vào ngụy trang dưới hình thức các giao dịch thương mại, tôi nghĩ con số xuất khẩu trong những tháng tới sẽ phản ánh chính xác hơn thực tế nhu cầu từ nước ngoài".