Trung Quốc gây rối Biển Đông: Việt Nam nên làm gì?
Từ góc độ nhà nghiên cứu Biển Đông lâu năm, là người đã từng có trọng trách về biên giới quốc gia, TS Trần Công Trục, Nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ, đã đưa ra những nhận định, kiến giải của mình. Dưới đây là nội dung trả lời của ông.
Ông Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ |
“Dân sự hóa” hoạt động quấy rối trên Biển Đông, một tính toán “tinh quái”
Tôi đã từng phân tích, vấn đề họ in bản đồ hình lưỡi bò và việc cho tàu cá cắt cáp tàu Bình Minh 2 là có liên quan chặt chẽ với nhau, có logic với nhau, được tính toán và sắp đặt cả, không phải chỉ là hành động ngẫu nhiên. Chúng ta còn xem xét quy chế của tỉnh Hải Nam (đầu 2013 có hiệu lực). Chúng ta càng thấy một sự tính toán, nhưng đáng nói lần này họ dùng tàu đánh cá để gây rối. Phải chăng họ muốn dân sự hóa vấn đề này? Việc dân sự hóa hoạt động gây rối này, bản chất thì không thay đổi, nhưng họ cố tình ngụy trang để tránh “búa rìu” dư luận. Đây là cách đánh lừa dư luận, tránh mũi nhọn dư luận để họ có những toan tính khác nữa cho sau này. Sử dụng lực lượng này rõ ràng sẽ rất “lưỡng tiện” để đạt được hiệu quả nhất trong hoạt động quấy phá và lực lượng này cũng sẽ giúp ngăn cản hoạt động của các tàu thuyền đi lại, làm ăn bình thường trong Biển Đông theo đúng các quy định của Công ước Luật Biển của LHQ năm 1982 đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới ký kết và tham gia đã tròn 30 năm nay. Theo tôi cần phải làm sao cho mọi người, những người có trách nhiệm cũng như người dân hiểu được bản chất của vấn đề, để chúng ta sẽ không bị đánh lừa, bị mê hoặc bởi những thủ thuật đó của họ.
Tàu Bình Minh 02, tàu 2 lần bị cắt cáp. Nguồn internet |
Việt Nam nên làm gì?
Rõ ràng dù muốn hay không muốn, sự kiện này cũng đã được công khai, dư luận trong nước, dư luận quốc tế đều đã biết, và đều có sự phản ứng hết sức mạnh mẽ. Việt Nam chúng ta cũng đã kịp thời phản đối. Tôi nghĩ rằng dư luận rất bức xúc, theo tôi chúng ta cần phải nghiên cứu để có đối sách thích hợp nhất, hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay. Giải pháp thích hợp là phản ứng phù hợp, nhưng cũng phải đủ căn cứ, lý lẽ rõ ràng để vạch ra được những vi phạm này và hậu quả của chúng trong bối cảnh hiện tại nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những vi phạm trắng trợn và có hệ thống đó, chí ít là trên mặt trận đấu tranh pháp lý, ngoại giao, chính trị…
Trước hết, chúng ta phải công bố một cách rõ ràng, công khai, phạm vi, mức độ vi phạm của vụ việc mà chúng ta đã công bố. Mức độ vi phạm như thế nào chúng ta xử lý đúng mức độ đó.
Trở lại vấn đề, đây là khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, quy chế pháp lý, quyền lợi và nghĩa vụ quốc gia ven biển và các quốc gia khác đã được quy định rất rõ và có những nội dung mức độ khác với quy chế pháp lý của lãnh hải, nội thủy. Quy chế khác nhau, việc xử lý các vấn đề cũng có những mức độ khác nhau. Không phải tất cả các vi phạm, trên các vùng biển khác nhau đều có sự phản ứng như nhau. Hiểu được điều đó và xử lý thích hợp sẽ có sức thuyết phục trên dư luận và trong các tổ chức quốc tế có liên quan được lập ra theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982.
Tôi cũng nói rõ thêm, nếu việc bắt tàu dừng lại để kiểm tra lập biên bản mà không thấy có vi phạm gì thì lực lượng bắt giữ đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc bắt giữ không đúng đó…
Sự kiện tàu Bình Minh 02 bị tàu cá cắt cáp đang khiến dư luận bức xúc. Nguồn internet |
Thứ 3, vừa rồi các nước đã có những công hàm phản đối, điều này là rất tốt và rất cần thiết. Nhưng có lẽ nên có những công hàm phản đối có nội dung cụ thể hơn và nên lưu chiểu tại các tổ chức quốc tế.
Trên đây là những biện pháp đối phó trước mắt, theo tôi còn cần có giải pháp lâu dài cho vấn đề này. Cần phải có một sự nghiên cứu, tập hợp, có các tổ chức có liên quan gồm những nhà nghiên cứu, nhà quản lý, những chuyên gia để thống nhất, nhận định, đánh giá, đề xuất chủ trương đấu tranh và các phương án xử lý cụ thể, thích hợp nhất, hiệu quả nhất. Những điều này phải có quy định rõ ràng để các lực lượng tham gia cùng phối hợp, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ không có hiệu quả. Tôi nghĩ các cơ quan, lực lượng chức năng cũng đã tính đến rồi. Tuy nhiên, trong tình hình này chúng ta nên công khai minh bạch để người dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ vấn đề để tạo nên sự đồng thuận nhất trí, đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.