Trung Quốc: Đuổi việc nhà báo viết bài cho báo Hồng Kông
Đây là trường hợp đầu tiên bị đuổi việc sau thông báo hồi đầu tháng Bảy của chính phủ Trung Quốc, cảnh báo các nhà báo hãy tránh xa các hãng tin, tờ báo nước ngoài.
Nhà báo Song Zhibiao đã bị buộc phải phải chấm dứt hợp đồng với tờ China Fortune (Trung Quốc Thịnh Vượng), một tạp chí tháng của Southern Metropolis Daily (Nhật báo Thủ phủ Phương Nam), cơ quan báo chí tương đối tự do ở Quảng Châu.
Ảnh minh họa: Tác nghiệp báo chí ở Trung Quốc ngày càng bị bó hẹp và ràng buộc (ảnh: CBC News) |
Theo ông Song, biên tập viên của tạp chí China Fortune nói rằng các quan chức thông tin, tuyên truyền của địa phương đã ra thông báo tới tòa soạn về việc ông Song vi phạm quy định mới của nhà nước Trung Quốc với hành vi viết bài bình luận cho trang Orient (Phương Đông), một website tin tức của Tập đoàn Báo chí Phương Đông của Hồng Kông.
Chiều ngày thứ Sáu, ông Song đã phải ký vào biên bản hủy hợp đồng lao động của mình với tòa soạn tạp chí China Fortune.
Điểm hài hước ở đây là Trung Quốc vốn luôn tuyên bố Hồng Kông là một vùng lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc dù nơi đây đang được duy trì quyền tự trị như một đặc khu kinh tế.
“Theo điều luật trao trả năm 1997, Hồng Kông được quyền duy trì chế độ tự do dân chủ, trong đó đề cao cả quyền tự do ngôn luận, thứ thực ra không tồn tại ở đại lục vì vậy nên báo chí Hồng Kông vẫn bị các nhà chức trách Trung Quốc phân biệt đối xử như những cơ quan báo chí nước ngoài”, New York Times viết.
Về phía tòa soạn và công ty mẹ của tạp chí nơi ông Song làm việc, ông Ren Tianyang, biên tập viên của tờ Southern Metropolis Daily, nói rằng ông ta không biết lý do thực sự ông Song bị sa thải là gì.
Ông Song là một trong những cây bút bình luận nổi tiếng nhất của tờ báo Southern Metropolis Daily cho đến năm 2011. Sau khi viết một bài báo chất vấn trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc trong vụ động đất ở Tứ Xuyên, cướp đi sinh mạng của 70.000 người Trung Quốc, trong đó có rất nhiều trẻ em bị thiệt mạng vì trường học xây dựng kém chất lượng, ông Song đã bị buộc thôi việc ở tờ nhật báo này.
Công ty mẹ đã quyết định chuyển ông sang làm việc cho tập chí China Fortune, một tạp chí “đàn em” của Southern Metropolis Daily.
Ông Song cũng không phải là trường hợp duy nhất từng bị ép thôi việc vì chỉ trích chính quyền Trung Quốc. Chen Min, một cựu biên tập viên khác của Southern Weekend, tuần báo cuối tuần cùng trong hệ thống của Southern Metropolis Media, cũng từng bị ép thôi việc trong năm 2011 vì lý do tương tự.
Theo New York Times, đây là những động thái của chính quyền Trung Quốc nhằm bịt miệng tất cả những ý kiến bất đồng và kiểm soát dư luận trong nước.
Bài viết được thực hiện dựa trên tham khảo nội dung của tờ New York Times, một trong những tờ báo uy tín và có lượng độc giả lớn nhất nước Mỹ.