Trung Quốc cần từ bỏ luận điệu 'rẻ tiền' và rút vũ khí khỏi Biển Đông
Theo tác giả Harry Kazianis trên trang Diplomat, chắc chắn Trung Quốc có rất nhiều phương án tiềm năng khi xây dựng một chiến lược ngoại giao tổng thế cho mình. Tuy nhiên, một mục tiêu mà Trung Quốc cần đạt được là giảm căng thẳng với các nước láng giềng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và các nhà lãnh đạo cấp cao. |
Trong những năm vừa qua, căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng gia tăng như với Nhật Bản trên biển Hoa Đông hay với một số nước Đông Nam Á trên Biển Đông. Các cuộc tranh chấp lại được hòa trộn với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và lịch sử khiến chúng ẩn chứa đầy rủi ro. Kết quả là: các quốc gia trên khắp khu vực đang tăng cường phát triển năng lực quân sự để bảo vệ lợi ích của mình. Và bên cạnh đó là chiến lược lấy châu Á làm trọng tâm của Mỹ.
Trung Quốc cần có con đường đi rõ ràng hướng tới một chiến lược tổng thế giúp các nhà lãnh đạo nước này có thể chuyển sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng, giúp hàng triệu người thoát đói nghèo và phát triển bền vững. Chiến lược tổng thế này cũng sẽ ưu tiên cho mục tiêu giảm nhẹ căng thẳng do các cuộc tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Trước tiên, Trung Quốc cần thay đổi chính sách truyền thông của mình. Bắc Kinh phải dịch chuyển dần dần từ phong cách đưa ra những tuyên bố đầy phô trương hay kì vọng lớn sang những tuyên bố có tính chất “cùng thắng” hơn. Vi dụ như thay vì đưa ra tuyên bố trước giới truyền thông rằng lãnh thổ này hay lãnh thổ kia là “lợi ích cốt lõi”, Bắc Kinh có thể đưa ra tuyên bố rằng ngoài nước này còn có nước khác cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và cả hai bên phải hợp tác cùng nhau để tìm ra điểm chung.
Ai Cập: Vì sao "hoa nhài" sớm nở, tối tàn?
Việc từ bỏ những câu khẩu hiệu đầy tinh thần dân tộc không cần thiết còn xa mới chuyển thành việc củng cố mối quan hệ song phương. Bắc Kinh cũng có thể áp dụng chiến lược khác hoặc có thể coi đây là chiến lược bổ sung, đó là chiến lược “lấy kinh tế làm đầu”. Thông qua các kênh như truyền thông và ngoại giao, Trung Quốc có thể thúc đẩy quan hệ kinh tế và bớt bàn luận về những vấn đề có thể gây tổn hại quan hệ với nước khác như tranh chấp chủ quyền. Bắc Kinh có thể coi lối tư duy mới này là biện pháp đẩy xây dựng niềm tin với hi vọng rằng trong tương lai các bên có thể tiến tới nhượng bộ.
Tuy nhiên việc thay đổi giọng điệu mới chỉ là bước đi đầu tiên. Trung Quốc cần điều chỉnh cả hành động của mình nữa. Điều động quân đội hay các vũ khí hải quân tới khu vực tranh chấp sẽ chỉ phản tác dụng. Trung Quốc sẽ chẳng đạt được gì từ những động thái như vậy, đặc biệt nếu có điều gì sơ sẩy xảy ra. Trung Quốc nên giảm bớt những động thái như vậy ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như khu vực Indo – Thái Bình Dương (khu vực bao gồm một phần Ấn Độ Dương và khu vực trung tâmThái Bình Dương) và có thể thực hiện điều đó một cách lặng lẽ. Nếu Trung Quốc tiếp tục điều vũ khí để khẳng định chủ quyền của mình thì có khả năng Hoa Kỳ sẽ dấn thân vào các khu vực tranh chấp trong lúc quân đội Trung Quốc vẫn đang ở vào thời kì phát triển và chưa thể hiện giá trị chiến lược gì rõ ràng. Không có một lãnh thổ tranh chấp nào đáng để các nước lớn tiến tới một cuộc chiến tranh.
Trung Quốc cần giảm căng thẳng với các nước láng giềng về tranh chấp chủ quyền. |
Nói tóm lại, cốt lõi của việc thay đổi chiến lược tổng thể của Trung Quốc là thay đổi cách thức đối thoại và phát ngôn. Trong bối cảnh Trung Quốc đang là “nhân vật trung tâm” của các cuộc tranh chấp chủ quyền của khu vực, nước này phải xây dựng một đường đi mới và tìm ra các chiến lược để giảm bớt những căng thẳng đó. Trong những thập kỷ tới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Indo- Thái Bình Dương còn có rất nhiều vấn đề bức thiết hơn phải giải quyết.
Dù cho vấn đề đó là biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, những thách thức về nguồn tài nguyên thiên nhiên hay các vấn đề về nhân quyền thì nội dung công việc mà các quốc gia trong khu vực phải thực hiện cũng rất lớn. Nếu để giành chiến thắng dựa vào luận điệu dân tộc rẻ tiền thì về dài hạn các vấn đề sẽ chỉ dàng trở nên nghiêm trọng hơn và đi ngược lại lợi ích dài hạn của cả khu vực, đặc biệt là của Trung Quốc.
Với vị thế ngày nay của Trung Quốc trong khu vực, việc xem xét về chiến lược tổng thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với vai trò của nước này trong các vấn đề toàn cầu, không chỉ trong thập kỷ này mà cả các thập kỷ sắp tới. Giới lãnh đạo mới của Trung Quốc phải xây dựng một kế hoạch giúp tạo ra môi trường giúp nước này tiếp tục tăng trưởng kinh tế, duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và thúc đẩy những “lợi ích cốt lõi” khả thi của mình.
Nói tóm lại, Trung Quốc phải theo đuổi các lợi ích của mình nhưng những lợi ích đó phải lớn hơn tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo và vùng lãnh thổ không có mấy giá trị chiến lược. Trung Quốc cần thay đổi giọng điệu cũng như hành động của mình để theo đuổi những mục tiêu lớn hơn. Nếu Bắc Kinh muốn trở thành một “người chơi” toàn cầu và sau đó là một siêu cường thì nước này phải củng cố một môi trường an ninh ở xung quanh mình sao cho không nổ ra xung đột. Nếu không, Trung Quốc sẽ không thể tự do hành động và chỉ có một nền tảng yếu ớt cho quá trình trỗi dậy.