Trực tiếp: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại Thường vụ Quốc hội
Tại phiên họp ngày 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Trương Minh Tuấn 2 nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất là: Giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ. Vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn nhóm vấn đề này.
Nhóm vấn đề thứ hai sẽ được chất vấn là: Công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tường thuật trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Mời quý vị và bạn đọc theo dõi.
Phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV
8.00': Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tầm quan trọng của phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV. Đồng thời cho biết bên cạnh việc xem xét những vấn đề bức xúc được dư luận, cử tri quan tâm, UBTVQH đã xem xét những vấn đề còn bất cập về chính sách để đưa ra chất vấn tại phiên họp này.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đại biểu Quốc hội chất vấn đặt câu hỏi rõ vấn đề, sát nội dung, không giải thích dài hoặc chỉ hỏi thông tin, thời gian đặt câu hỏi không quá 2 phút. Đề nghị các Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề, nêu rõ giải pháp khắc phục và mục tiêu phấn đấu.
Để đi đến cùng vấn đề chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội ở 63 đầu cầu và ở tại Hội trường có thể đăng ký tranh luận.
8.15': Các đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn); Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi); Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre);... chất vấn nội dung: Giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực; giải pháp đặc thù phát triển nguồn nhân lực khu vực dân tộc thiểu số; giải pháp quản lý cơ sở cai nghiện, ngăn ngừa tình trạng học viên trốn trại; giải pháp giải quyết vướng mắc trong áp dụng các chính sách đối với người có công, người nhiễm chất độc hóa học; giải pháp giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường; tu bổ, nâng cấp các công trình tri ân liệt sĩ;...
Ba đột phá trong đào tạo nghề
8.20': Trả lời chất vấn, về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng cho biết: Sau khi nhận chuyển giao từ Bộ GDĐT, từ tháng 1/2017, Bộ LĐTBXH đã chính thức bắt tay thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ tập trung sửa đổi thể chế, ban hành 37 văn bản khác nhau về giáo dục nghề nghiệp,...
Bộ đề xuất 10 nhóm giải pháp cơ bản: Xây dựng các chuẩn giáo dục nghề nghiệp; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề; đẩy mạnh xã hội hóa; đổi mới chương trình, giáo trình theo chuẩn quốc tế; tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị;...
Trong đó Bộ tập trung vào 3 đột phá là: Tăng cường tự chủ (cơ sở đào tạo nghề hạch toán như doanh nghiệp); Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác đào tạo, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với đào tạo đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời tập trung xây dựng các chuẩn đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn quốc tế.
Cơ sở cai nghiện quá tải, học viên bức bối
Về tình trạng học viên trốn trại, Bộ trưởng cho biết, công tác cai nghiện được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Vừa qua Chính phủ đã tổ chức 2 cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo trực tiếp về vấn đề này.
Tuy nhiên tình hình người nghiện thời gian qua diễn biến phức tạp (xuất hiện các loại ma túy mới; vấn đề phạm tội do ngáo đá...). Hiện cả nước có khoảng 60.000 người nghiện đang được cai nghiện ở các cơ sở ma túy; trong đó có khoảng 17.000 người phải bắt buộc cai nghiện theo quyết định của tòa án...
Vừa qua xảy ra một số vụ trốn trại tập trung (Đồng Nai, Tây Ninh, Hải Phòng), lý do là những học viên không tự nguyện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc (do gia đình đưa vào); bên cạnh đó nhiều địa phương đưa người nghiện vào cơ sở để 'trong sạch địa bàn'... dẫn đến cơ sở cai nghiện quá tải, tạo sự bức bối cho học viên.
Mặt khác trong số học viên cai nghiện nhiều người đã có tiền án, tiền sự thường cầm đầu gây rối; chế tài đối với hành vi đập phá, trốn trại chưa đủ sức răn đe; đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện mỏng (ví dụ ở Đồng Nai, 1 cán bộ phục vụ tối thiểu 10 học viên); còn vướng mắc trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý và một số vấn đề về pháp lý cần được điều chỉnh (bất cập trong quy định hiện hành về đối tượng, sàng lọc ban đầu, thời gian cai nghiện, cơ quan quản lý)...
Thời gian tới, Bộ tập trung triển khai một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn; hoàn thiện thể chế; tăng cường kinh phí; tăng cường đấu tranh với tội phạm ma túy; tăng cường công tác tổ chức, cán bộ,...
Rà soát tổng thể mạng lưới đào tạo nghề
Về quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng cho biết, bên cạnh những việc đã làm được còn tình hình xây dựng cơ sở đào tạo không gắn với thị trường dẫn tới cơ sở đào tạo "đắp chiếu", lãng phí; thiết bị mua nhưng không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp; nhiều nghề được đầu tư không tuyển sinh được...
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ đang triển khai rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới đào tạo nghề; không lập mới các cơ sở công lập không cam kết tự chủ (trừ những nơi trọng điểm); khuyến khích các cơ sở đào tạo tư thục; sắp xếp lại các trung tâm ở cấp huyện (dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp tổng hợp) để tận dụng tối đa công suất phù hợp với địa phương; xử lý các cơ sở đào tạo yếu kém; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn phù hợp với thực tế địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời khắc phục các hạn chế, sai phạm; phát huy vài trò chủ động của các cơ quan chủ quản...
Tổ chức 16 hoạt động tri ân cấp quốc gia
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trả lời câu hỏi của đại biểu về việc áp dụng chính sách an sinh đối với 1 trường hợp nhiễm chất độc hóa học ở Quảng Nghãi, Bộ trưởng khẳng định địa phương áp dụng cứng nhắc, Bộ đã làm việc với tỉnh và trong tháng 4 sẽ giải quyết xong chế độ cho trường hợp này. Đồng thời, Bộ trưởng trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc giải quyết một số tồn đọng trong áp dụng chính sách đối với người có công (Bộ trưởng nêu 13 vấn đề vướng mắc bất cập cần sửa đổi, bổ sung);
Về công tác tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Bộ trưởng cho biết đã ban hành kế hoạch triển khai 16 hoạt động ở cấp quốc gia. Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách thiết thực, trang trọng nhằm tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về công tác đền ơn đáp nghĩa trong nhân dân...
* Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời bổ sung về kinh phí thực hiện chính sách đối với người có công; tu bổ công trình tri ân liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ; kinh phí tìm kiếm liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ; xây dựng nhà cho người có công...
* Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời bổ sung nội dung về phân luồng học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Bộ GDĐT đang tập trung đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp ở phổ thông; thắt chặt chuẩn đầu vào đại học để phân luồng; thực thi các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề; hoàn thiện chính sách về đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với bậc đào tạo cao hơn...
* Các đại biểu: Vũ Trọng Kim (Hải Dương); Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang); Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang); Đinh Duy Vượt (Gia Lai); Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ); Lý Tiết Hạnh (Bình Định);... đặt câu hỏi về vấn đề: Giải quyết chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong (đã hy sinh, bị thương); giải pháp gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường; trách nhiệm giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường của cơ sở đào tạo; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề; giải pháp giải quyết chế độ đối với người có công (do thất lạc hồ sơ gốc); giải pháp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ; giải pháp đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác minh thông tin liệt sĩ; giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, xử lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sai phạm, nâng cao uy tín lao động Việt Nam trên thị trường các nước; giải pháp đột phá để giải quyết các hồ sơ chính sách còn tồn đọng;...
9.30': UBTVQH nghỉ giải lao.
9.50': UBTVQH tiếp tục làm việc.
Giải quyết dứt điểm chế độ đối với thanh niên xung phong
Về giải quyết vấn đề đối với thanh niên xung phong, Bộ trưởng cho biết, việc đề ra và thực thi chính sách đối với thanh niên xung phong, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để xây dựng chính sách.
Việc giải quyết chính sách còn tồn đọng đối với thanh niên xung phong được Bộ LĐTBXH quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, hàng vạn thanh niên xung phong đã được công nhận là thương binh, liệt sĩ,... thân nhân của các đối tượng này đã được hưởng chính sách của nhà nước.
Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Hội Thanh niên xung phong rà soát đánh giá tổng thể, thống nhất về số liệu đối tượng chính sách; tập trung giải quyết dứt điểm, chính xác các hồ sơ đang còn tồn đọng (nằm trong 5900 hồ sơ các địa phương đề nghị giải quyết).
Tích hợp kinh phí đào tạo nghề với kinh phí xây dựng Nông thôn mới
Bộ trưởng khẳng định sẽ cố gắng ở mức cao nhất với quyết tâm chính trị cao nhất để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường.
Về giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho thanh niên khu vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng cho biết kinh phí đào tạo nghề sẽ được tích hợp với kinh phí chương trình xây dựng Nông thôn mới, theo nguyên tắc chỉ đào tạo nghề với dự báo được mức độ thu nhập và khả năng có việc làm của người lao động, gắn chặt kế hoạch đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương....
Bên cạnh đó, Bộ trưởng trả lời làm rõ một số vấn đề các đại biểu chất vấn về giải quyết chế độ chính sách đối với quân nhân; đào tạo, giải quyết việc làm cho bộ đội, công an xuất ngũ;...
Quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ
Về quy tập, xác định danh tính liệt sĩ, Bộ trưởng khẳng định đây là việc làm được đặc biệt quan tâm. Hiện chúng ta còn khoảng 200.000 liệt sĩ còn đang nằm rải rác ở các nơi chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237, do một Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban để thực hiện chỉ đạo, tổ chức quy tập mộ liệt sĩ. Hiện có khoảng 20 đội làm việc thường xuyên thực hiện công tác này...
Về xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Bộ trưởng cho biết, hiện chúng ta còn khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa rõ danh tính. Chúng ta đã ban hành đề án xác định danh tính liệt sĩ. Đề án triển khai nhiều giải pháp để xác định danh tính. Đặc biệt là giải pháp xét nghiệm gen. Bằng giải pháp này, vừa qua chúng ta đã xác định được danh tính hơn 3000 hài cốt liệt sĩ.... Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập ngân hàng gen, bổ sung thêm các cơ sở giám định gen để đẩy nhanh công tác này.
Về giải quyết hồ sơ chính sách còn tồn đọng, trong năm 2017, Bộ sẽ tập trung giải quyết 5900 hồ sơ đã kê khai đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, hưởng chế độ như thương binh,...
* Tiếp đó, Bộ trưởng trả lời câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về các vấn đề: Giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả đào tạo nghề; đổi mới mô hình cai nghiện ma túy; ...