Trình Chính phủ giải pháp "quản" thị trường vàng
Trình Chính phủ giải pháp "quản" thị trường vàng
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dự thảo Nghị định kinh doanh vàng mới sẽ tập trung vào các giải pháp mạnh để "quản" thị trường vàng nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn đảm bảo quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân.
Với những quy định khắt khe, Nghị định kinh doanh vàng kỳ vọng sẽ dẹp loạn được thị trường vàng Ảnh: Quỳnh Anh |
Điều kiện kinh doanh vàng miếng: Khắt khe hơn
Khác so với trước đây NHNN cho phép 8 tổ chức tín dụng và DN kinh doanh vàng đã được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng, dự thảo Nghị định quy định các điều kiện chặt chẽ hơn đối với DN được phép sản xuất vàng miếng. Để được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, các DN phải có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất và phải có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, DN phải có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng. Với quy định này, số lượng DN được phép sản xuất vàng sẽ giảm xuống đáng kể và việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần.
Khắc phục bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, dự thảo Nghị định cũng thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng, bổ sung quy định coi hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Theo NHNN, với các điều kiện chặt chẽ như trên, dự kiến số lượng DN được phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ thu hẹp đáng kể từ trên 10 ngàn DN như hiện nay xuống chỉ còn một số DN, tổ chức tín dụng có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực kinh doanh vàng được phép tiếp tục thực hiện mua bán vàng miếng.
Đảm bảo quyền mua bán vàng của dân
Tuy nhiên, để bảo đảm quyền tích trữ, mua bán vàng của người dân, dự thảo Nghị định quy định các điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng của TCTD tương đối thuận lợi để dựa vào mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD thực hiện mua bán vàng với người dân. Việc này giúp NHNN quản lý tốt hơn thị trường vàng miếng do các TCTD do NHNN trực tiếp quản lý.
Hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu cũng được đưa vào tầm ngắm. NHNN là cơ quan tổ chức và/hoặc cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo quy định này, NHNN sẽ tổ chức xuất nhập khẩu hoặc cấp phép cho DN, TCTD xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. NHNN sẽ lựa chọn hình thức phù hợp với thực tế và mục tiêu quản lý theo từng giai đoạn. Quy định này cũng nhằm tạo điều kiện để NHNN quản lý, kiểm soát lượng vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu cũng như điều tiết cung-cầu trên thị trường, hạn chế tình trạng xuất nhập lậu vàng, đầu cơ, lũng đoạn thị trường.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Mặt khác, việc yêu cầu các DN phải đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm và công bố tiêu chuẩn áp dụng sẽ góp phần kiểm soát chất lượng và hạn chế tình trạng gian lận tuổi vàng.
Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động can thiệp của NHNN nhằm bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường, dự thảo Nghị định quy định cho phép NHNN thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các hoạt động: Cấp phép sản xuất vàng miếng; Tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; Tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; Tổ chức huy động vàng.
Dự thảo Nghị định quy định Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, thuế trị giá gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ. Theo quy định này, ngoài chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, Bộ Tài chính sẽ làm đầu mối kiến nghị việc ban hành chính sách thuế đối với kinh doanh vàng trong nước như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập nhằm giảm tính hấp dẫn của việc mua bán, tích trữ vàng miếng.
NHNN cho rằng, việc nâng cao vai trò can thiệp và quản lý của NHNN sẽ giúp kiểm soát cung – cầu vàng trên thị trường, bình ổn giá vàng, từ đó khắc phục tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, đồng thời góp phần tiết kiệm ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Đồng thời, hoạt động mua, bán vàng can thiệp của NHNN trong tương lai có thể giúp duy trì mức chênh lệch hợp lý giữa giá vàng trong nước và quốc tế, do đó hạn chế việc buôn lậu vàng qua biên giới.
NHNN kỳ vọng, việc thực hiện nghiêm các biện pháp nêu trên sẽ giúp thị trường vàng bình ổn, qua đó từng bước hạn chế tình trạng "vàng hóa”, hạn chế ảnh hưởng của thị trường vàng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
Nguyễn Hoài