Triều Tiên xác nhận thử tên lửa đạn đạo thế hệ mới
Trong vụ phóng hôm 12/2, tên lửa của Triều Tiên đã bay được 500 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Hành động của Triều Tiên buộc Mỹ tái khẳng định cam kết duy trì hiệp ước an ninh với các quốc gia đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo hãng thông tấn trung ương KCNA, loại tên lửa được Triều Tiên phóng thử hôm 12/2 là tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung tới xa Pukguksong-2. Đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới thị sát buổi phóng thử.
![]() |
Người dân Hàn Quốc xem bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 12/2. |
KCNA nhấn mạnh Pukguksong-2 được xem là loại tên lửa mới có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, Pukguksong-2 còn đặt dấu mốc quan trọng cho chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên khi sử dụng động cơ nhiên liệu rắn.
Trong năm 2016, Bình Nhưỡng cũng đã cho thử nghiệm loại động cơ này nhằm tăng khả năng bay và khó bị phát hiện của tên lửa. Theo một số nguồn tin, loại công nghệ mới từng được Triều Tiên thử nghiệm trong một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm.
Trước đó, giới chuyên gia nghi ngờ vụ phóng hôm 12/2 của Triều Tiên có thể liên quan tới một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (ICBM) nhất là sau khi ông Kim tuyên bố nước này có thể phóng thử ICBM ngay trong năm 2017. Sau khi phân tích đường bay của tên lửa, một số báo cáo cho rằng Triều Tiên đã thất bại trong vụ phóng lần này.
Tuy nhiên, nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho hay tên lửa của Bình Nhưỡng đã bay lên độ cao 550 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản và cách vị phóng ở tỉnh Bắc Pyongang, về phía tây bắc 500 km. Tên lửa của Triều Tiên không rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Theo Reuters, KCNA khẳng định Triều Tiên đã chọn vị trí phóng tên lửa để "đảm bảo an toàn cho các quốc gia láng giềng".
Ngay sau vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn cấp nhằm đưa ra phản ứng. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay, khả năng cuộc họp này sẽ diễn ra vào chiều hôm nay (13/2).
Mặc dù liên tiếp bị cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn không ngừng cải tiến chương trình hạt nhân. Trong năm 2016, Bình Nhưỡng đã thực hiện 2 vụ thử hạt nhân vào tháng Một và tháng Chín.
Lệnh trừng phạt được Hội đồng Bảo an công bố hồi tháng 3/2016 nhấn mạnh toàn bộ thùng hàng ra và vào Triều Tiên đều bị giám sát chặt chẽ. Hoạt động nhập khẩu và vận chuyển các loại vũ khí hạng nhẹ cũng bị cấm.
Còn lệnh trừng phạt mới nhất được Hội đồng Bảo an phê duyệt hồi tháng 11/2016 chú trọng vào nguồn hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên là than đá, bạc, đồng và kẽm. Theo ước tính, lệnh trừng phạt này sẽ khiến Triều Tiên tổn thất doanh thu 800 triệu USD/năm.