Trẻ em đi máy bay - những lưu ý mẹ cần biết
Hãy gọi sự trợ giúp từ đội ngũ tiếp viên nếu con bạn gặp sự cố |
Nên chuẩn bị một số vật dụng thông thường
Sau sự cố cô ca sĩ bị phạt khi cho con tè vào túi nôn khi đi trên máy bay, nhiều bà mẹ tỏ ra băn khoăn không biết làm thế nào để có một chuyến đi thuận lợi khi mang trẻ em theo cùng.
Chị Hoàng Anh (Tây Hồ, Hà Nội) tỏ ra khá đồng cảm với bà mẹ ca sĩ này. Chị kể, chị cũng từng gặp tình huống oái oăm như thế khi đang trên máy bay từ Pháp về Việt Nam. Sau khi lên máy bay chừng 3 tiếng, cô con gái 5 tuổi níu tay mẹ đòi đi "hái hoa" (đi tè). 2 tiếng sau, cháu kêu đau bụng và buồn ị. “Chuyến bay kéo dài, hai mẹ con đều rất mệt mỏi, tôi loay hoay mãi mới dậy nổi thì con đã són ra quần một ít. Rất may, đội ngũ tiếp viên đã ngay lập tức xuất hiện giúp tôi xử lý sự cố mà không hề … bị phạt như cô ca sĩ kia” – chị Hoàng Anh kể lại.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương (giảng viên trường ĐH Sư phạm HN) cho rằng, di chuyển đường dài không phải là chuyện thường ngày. Mỗi một lần di chuyển thường là chúng ta biết trước lịch vài ngày, vài tuần thậm chí vài tháng. Vì thế, theo TS Hương thì ngoài việc chuẩn bị những vật dụng thông thường, các bà mẹ nên chuẩn bị các phương án xử lý những vấn đề xảy ra bất ngờ khi di chuyển cùng con nhỏ. Tùy theo lứa tuổi, đặc điểm của em bé về sức khỏe, tính cách,… các cha mẹ cần những vật dụng thiết yếu khác nhau.
Theo đó, với các bé hay gặp vấn đề về đường bài tiết, một chiếc bỉm đóng sẵn và vài chiếc dự phòng sẽ giải quyết mọi vấn đề nhanh chóng. Một em bé hay bị say xe thì một viên thuốc chống say (dĩ nhiên cần có tham vấn của bác sĩ trước) thêm một vài chiếc túi nilon sẽ có giá trị vô cùng lớn cho các cha mẹ.
Kêu gọi sự trợ giúp từ tiếp viên, nhân viên phục vụ
TS Hương cũng cho biết thêm, khi gặp các trường hợp quá bất thường, nếu không tự mình xử lý được như bỉm hay những vật dụng tương tự, cha mẹ cần thiết phải kêu gọi sự trợ giúp của các nhân viên phục vụ.
“Trong trường hợp sử dụng xe bus, có thể gọi nhân viên nhà xe, bởi thông thường các bác phụ xe luôn có sẵn túi nilon để xử lý trong những trường hợp trẻ nôn trớ. Khi bay trên máy bay, các tiếp viên hàng không cũng sẵn sàng giúp đỡ chúng ta chứ không gây khó khăn gì nếu như chúng ta kêu gọi sự trợ giúp. Ngay trên đầu chúng ta tại ghế ngồi ở máy bay luôn có các nút bấm gọi trợ giúp. Các nhân viên phục vụ luôn biết cách nào tốt nhất để giải quyết tình huống vì họ đã có kinh nghiệm xử lý nhiều lần”- TS Hương nhấn mạnh.
Cũng là một bà mẹ nên TS Hương cho biết từng gặp rất nhiều lần tình huống tương tự như cô ca sĩ kia. Trong đó, chị nhớ nhất là chuyến bay dài ngày đưa cả gia đình từ Việt Nam sang Đức khi con gái 3 tuổi. "Cháu vốn hiếu động nên luôn nghịch các trò trẻ con vì thời gian bay quá dài. Tôi đã dụ dỗ cháu với nhiều cách nhưng cũng chỉ được một lúc. Sợ cháu làm phiền mọi người, tôi đã bấm nút gọi trợ giúp và ngay lập tức các tiếp viên xuất hiện, họ mang bánh cho con tôi ăn, vui chơi với cháu để cháu không phá giấc ngủ của các hành khách khác. Đó là chưa kể các cô luôn hỏi han cháu về tình hình vệ sinh, nếu cháu có nhu cầu là các cô giúp đỡ ngay".
Kể ra câu chuyện này, TS Hương cho rằng “khi chúng ta đi trên các phương tiện giao thông công cộng, nếu gặp khó khăn, sự trợ giúp của tiếp viên luôn sẽ là hướng giải quyết tốt nhất, hãy hợp tác với họ”.
Một vấn đề khác mà TS Hương cũng lưu ý cha mẹ cần biết là sự hoảng sợ của các cháu khi tham gia giao thông trên các phương tiện công cộng. Lý do đơn giản là vì có quá đông người xung quanh, có nhiều tiếng ồn, tốc độ chuyển động, những vấn đề sức khỏe như đau tai, say tàu xe…. Vì thế, nếu phải cho con di chuyển bằng các phương tiện công cộng như thế này, cha mẹ cần ôm chặt con vào lòng. Khi có cha mẹ ở bên, bọn trẻ sẽ bớt sợ hãi và dần dần quen với không gian chật hẹp của phương tiện. Ngay kể cả khi bọn trẻ say xe, nếu cha mẹ ôm chặt con vào lòng, chuẩn bị sẵn phương án để xử lý nếu con nôn thì đứa trẻ cũng sẽ đỡ sợ hãi và bớt mệt mỏi.
Ngoài ra, theo bà Hương: một điều vô cùng quan trọng đó là khi tham gia giao thông công cộng, cha mẹ cần tranh thủ cho trẻ đi vệ sinh ngay trước khi lên phương tiện. Con người thường sẽ cảm thấy có nhu cầu đi sau vài tiếng. Nếu chuyến di chuyển với thời gian dưới 3h có thể trẻ sẽ không có nhu cầu đi suốt thời gian đó. Nếu di chuyển dài hơn trên các phương tiện có nhà vệ sinh, cha mẹ nhớ cho con đi vào khoảng giữa thời gian di chuyển. Khi đó, mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa mà không để xảy ra sự cố gì.