Tranh nhau mua 'đá lạ' bán cho thương lái TQ
Bỏ cả tỷ đồng để thu gom “đá lạ” bán cho thương lái Trung Quốc, gom xong, phần không bán được, phần bị lực lượng chức năng tịch thu khiến nhiều “con buôn” tại tỉnh Kon Tum phải ôm nợ, ngồi trên đống lửa.
Gom “đá lạ” nơi “Ngã ba Đông Dương”
Theo người dân phản ánh, cách đây chừng 2-3 tháng, tại huyện “Ngã ba Đông Dương” Ngọc Hồi (Kon Tum), một số thương lái người Trung Quốc mang sang một loại “đá lạ” – người dân nơi đây gọi là đá mềm hay đá phấn, làm mẫu đặt mua hàng.
Giá rao mua rất cao, khoảng từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng/kg. Tuy nhiên, tại địa phương không có loại đá này, một số “con buôn” lần dò và biết bên nước bạn Lào có loại đá giống mẫu như thương lái Trung Quốc đặt mua nên sang thu gom, mang về nội địa tích trữ bán dần.
Những viên “đá lạ” được “con buôn” tại huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) thu mua về trữ, chờ bán lại cho thương lái người Trung Quốc. Ảnh: V.Y |
Phong trào thu gom “đá lạ” sốt lên từng ngày, từ huyện Ngọc Hồi bắt đầu lan sang nhiều huyện khác của tỉnh Kon Tum. Song rầm rộ nhất vẫn là Ngọc Hồi, bởi nơi đây có cửa khẩu Bờ Y, giao thương với nước bạn Lào, Campuchia tiện cho việc qua lại thu gom.
Theo một số “con buôn” tại huyện Ngọc Hồi, loại đá thương lái Trung Quốc mua với giá cao nhất là “đá mềm”, bởi đá có chất lượng tốt, ít bị vẩn đục, rạn nứt, khi dùng ánh sáng đèn pin soi vào có thể xuyên qua và có màu sắc rất đẹp.
Một “con buôn” tên N. (huyện Ngọc Hồi) tiết lộ, đang làm ăn bên Lào và thường xuyên mang đá về Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y để bán cho thương lái Trung Quốc. Theo N., khi thu mua tại Lào, tùy vào chất lượng từng loại đá mà giá mua dao động từ 200 ngàn đến 4 triệu đồng/kg. Đá sau khi được thu mua, sẽ thuê các chủ xe ô tô người Lào vận chuyển về nội địa và được đảm bảo an toàn, không bị bắt.
Khi được hỏi, thương lái Trung Quốc thu gom “đá lạ” để làm gì, các “con buôn” đều trả lời không biết, chỉ biết họ mua giá cao thì buôn về bán lại… kiếm lời.
Những viên “đá mềm” nhỏ được cho là thương lái Trung Quốc mua giá cao vì chất lượng tốt, màu sắc lạ. Ảnh: V.Y |
“Tôi được thương lái Trung Quốc cho xem nhiều mẫu đá rất đẹp, lạ mắt. Tôi nghĩ chắc họ mua về để chế tác làm đá mỹ nghệ, trang trí hoặc phong thủy” – một “con buôn” tại huyện Ngọc Hồi phỏng đoán.
Trao đổi với một lãnh đạo Chi cục Hải Quan cửa khẩu Bờ Y, vị này cho biết tình trạng người Việt sang Lào thu mua, vận chuyển đá qua cửa khẩu là có thật. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng nay, việc thu mua tạm lắng xuống, không còn rầm rộ như nhiều tháng trước. Theo vị lãnh đạo này, phòng trào mua “đá lạ” tạm lắng nguyên nhân có thể do chính quyền nước bạn ra quân truy bắt gắt gao.
Ôm nợ vì “đá lạ”
Theo “con buôn” tên N, trước đây chỉ cần thu gom đủ số lượng, chỉ cần thuê chủ xe người Lào vận chuyển là có thể qua cửa khẩu dễ dàng. Không hiểu sao, nay thuê người Lào vận chuyển cũng bị bắt, tịch thu đá. Nếu là người Việt vận chuyển, khi bị phát hiện không những đá bị tịch thu, người cũng có thể bị nhà chức trách tạm giữ.
Những viên “đá lạ” sau khi chế tác, soi dưới đèn có màu sắc lạ để làm đồ trang trí, phong thủy. Ảnh: V.Y |
Theo N., từ khi chính phủ Lào “mạnh tay” truy quét thu gom “đá lạ”, thương lái Trung Quốc cũng hạn chế mua các loại đá lớn, chuyển sang mua những loại đá dạng sỏi nhỏ. Loại đá này được mua rất cao, có thể lên đến cả chục triệu đồng/hòn, nếu đá có chất lượng đẹp. Tuy nhiên, loại đá này rất hiếm.
Sau khi tiết lộ nguyên nhân phong trào thu mua đá chững lại, N. cũng cho biết, sau ba lần mua bán “đá lạ” nhỏ lẻ trót lọt, có lãi, mới đây anh gom tiền làm chuyến hàng lớn thì “có biến”, thương lái Trung Quốc ngừng mua khiến anh “đọng hàng” hơn 1 tạ đá phải cất kỹ trong nhà.
“Phải giấu kỹ, có khách hỏi mua mới mang ra cho xem, để chính quyền biết sợ họ thu hồi mất. Cách đây mấy hôm, có thương lái Trung Quốc hỏi mua nhưng giá thấp quá, tôi đang tìm mối khác, được giá sẽ bán ngay để thu hồi vốn” – N. thật thà nói.
N. cho biết, bản thân “đọng” 1 tạ hàng là ít, và còn may mắn chán. Bởi theo N. tiết lộ, như trường hợp bà N.T.T, (trú thị trấn Plêi Kần, Ngọc Hồi) gom tiền người thân hơn 1 tỷ đồng thu mua gần 1 tấn đá mềm, đang trên đường vận chuyển qua cửa khẩu về nước thi lực lượng chức năng Lào bắt giữ. Mất hàng, bà T. đang phải đi trốn nợ vì suốt ngày bị con nợ tìm đến nhà đòi tiền…
Theo Trùng Dương – V.Y/vietnamnet.vn