Tránh hành chính hóa quan hệ hình sự
|
Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP. Hồ Chí Minh). Ảnh. Xuân Hải. |
Thưa ông, có ý kiến cho rằng trong thời gian tới, cần giao cho Viện kiểm sát trách nhiệm khởi tố vụ án dân sự, khởi tố vụ án hành chính nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tinh thần, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi tán thành với ý kiến này, bởi vì chính việc giao trách nhiệm cho Viện kiểm sát khởi tố các vụ án dân sự và các vụ án hành chính liên quan đến lợi ích công cộng là để bảo vệ người yếu thế. Ví dụ như ở Nhật Bản cũng có quy định này, họ lập luận rằng khi không có ai bảo vệ người yếu thế thì nhà nước phải đứng ra bảo vệ nhóm người này. Còn ở nước ta thì cơ quan nhà nước bảo vệ người yếu thế ở đây chính là Viện kiểm sát nhân dân.
Trước đây, nước ta cũng có thời gian giao việc này cho Viện kiểm sát khởi tố vụ án dân sự, để bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ lợi ích của người thứ 3, bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên thì quy định này phát huy rất có tác dụng. Nhưng về sau này người ta cứ lý luận, lý thuyết không đúng nên Viện kiểm sát không còn vai trò này. Tôi cho rằng để bảo vệ người yếu thế trong trường hợp người ta không tự định đoạt được thì Nhà nước phải đứng ra, đấy mới là Nhà nước của dân. Thiết chế Viện kiểm sát là một tổ chức bộ máy Nhà nước của dân thì nên giao cho cơ quan Viện kiểm sát này đảm nhiệm việc đó. Còn quyết định xét xử thế nào là do Tòa án chứ không phải Viện kiểm sát khởi tố ra mà quyết định được, phán quyết thế nào là do Tòa án nên tôi rất ủng hộ là tới đây sửa đổi tổ chức kiểm sát thì nên đưa quyền này cho Viện kiểm sát cũng chính là quyền của người dân để bảo vệ lợi ích chính đáng của họ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần thiết phải bổ sung chức năng cho Viện kiểm sát kiểm sóat các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước nhằm đảm bảo tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành, ý kiến của ông về việc này như thế nào, thưa ông?
- Tôi thấy chức năng của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật là rất phù hợp. Bởi vì các văn bản quy phạm pháp luật này là cội nguồn nảy sinh các nhóm lợi ích, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật này nó có tác động và ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng, nhiều người, kèm theo đó là quyền lợi bị xâm hại rất lớn. Nó mang tính chất điều chỉnh hành vi của nhiều người, nó khác với tham nhũng hành vi. Lâu nay việc kiểm soát các văn bản này của Viện kiểm sát đã không còn, nhưng cũng không có ai làm.
Nói chung đã là nhà nước pháp quyền thì các nước trên thế giới cũng rất coi trọng trong việc giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bởi vì Nhà nước đặt ra luật thì chính nhà nước, cán bộ nhà nước phải tuân thủ pháp luật, như thế thì quyền lực đó mới thuộc về nhân dân được nếu không quyền lực đó sẽ chệch hướng, tha hóa. Ở một số nước trên thế giới có Bộ giám sát, Tòa bảo hiến để giám sát việc này, còn ở nước ta thì chưa có nên theo tôi cần phải có cơ quan thực hiện việc giám sát này mà cơ quan này là Viện kiểm sát nhân dân.
Cũng có nhiều ý kiến đề nghị Viện kiểm sát cần có nhiệm vụ trong việc kiểm soát xử lý vi phạm hành chính, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Theo tôi để chống bỏ lọt tội phạm thì việc kiểm soát xử lý vi phạm hành chính là rất nghiêm trọng, ở một số nước trên thế giới coi các hành vi vi phạm hành chính là một khinh tội, có thể bị tòa án xử tử hình, nhưng ở nước ta chỉ xử phạt vài trăm triệu đồng, mới đây đã được nâng mức phạt lên 1 tỷ. Theo tôi để đảm bảo trong việc xử lý vi phạm hành chính cần phải có cơ quan đứng ra để kiểm tra, giám sát xem đối tượng có đáng bị xử lý hành chính hay xử lý hình sự tức là tránh hành chính hóa quan hệ hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm. Theo tôi nên giao cho Viện kiểm sát để kiểm tra, giám sát việc kiểm sát xử lý vi phạm hành chính, kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật khi phát hiện thấy sai phạm thì yêu cầu sửa đổi, bãi bỏ. Khác với cơ quan khác Viện kiểm sát không có quyền đình chỉ mà khi phát hiện ra sai sót anh có quyền “tuýt còi” đề nghị bãi bỏ, như vậy nó không ảnh hưởng đến chủ thể quản lý mà nó góp phần chấn chỉnh các sai sót của các cơ quan, đơn vị từ bộ, ngành trở xuống.
Tôi ví dụ như vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng nếu có vai trò của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật thì khả năng sự việc sẽ không xảy ra. Bởi vì ở đây là việc ban hành các quyết định hành chính thu hồi đất có đúng hay không, đấy là vấn đề giao đất hay cho thu đất chỉ cần làm rõ trong vụ này còn một loạt hành vi sau là do hệ quả của việc ban hành văn bản chưa đúng quy định, vượt thẩm quyền, sai thẩm quyền từ đó người dân bức xúc, phản ứng lại, tuy nhiên việc phản ứng của người dân là sai nhưng điều quan trọng là các văn bản ban hành có đúng hay không và có cơ quan nào giám sát việc ban hành các văn bản đó.
Ngoài ra theo tôi cũng nên giao việc phòng chống tham nhũng cho Viện kiểm sát. Ví dụ như Viện kiểm sát Trung Quốc, Viện công tố Nhật Bản, Hàn Quốc bởi vì cơ quan này độc lập với Chính phủ, tuân theo pháp luật như vậy sẽ thuận lợi hơn.
Xin cảm ơn ông!