Trần Bắc Hà, chủ tịch ngân hàng dính tin đồn bị bắt nhiều nhất
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định, đường công danh của ông này gắn liền với BIDV khi ông gắn bó với ngân hàng này từ năm 1981 cho đến khi về hưu vào ngày 01/09/2016. 35 năm công tác, ông có 8 năm ngồi ở cương vị Chủ tịch HĐQT của BIDV.
Trước khi trở thành Chủ tịch BIDV vào năm 2008, Trần Bắc Hà trải qua các vị trí như: Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Định; Giám đốc Sở Giao dịch III của BIDV; Giám đốc Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản BIDV; Giám đốc Công ty Chứng khoán BIDV; Phó Tổng Giám đốc BIDV; Tổng Giám đốc BIDV.
Dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV đã có 2 dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử BIDV là cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Vốn điều lệ của ngân hàng cũng tăng mạnh từ 8.756 tỷ đồng năm 2008 lên mốc 34.187 tỷ đồng và là ngân hàng với quy mô vốn điều lệ lớn thứ 2 toàn hệ thống.
Tuy nhiên, nợ xấu của BIDV cũng tăng vọt trong thời gian này. Trước khi ông Hà rời nhiệm sở, nợ xấu của ngân hàng này lên đến 13.183 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 6.343 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà |
Một trong những "di sản" thời ông Trần Bắc Hà để lại cho cổ đông và HĐQT BIDV là khoản nợ khủng của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại BIDV.
Tính đến hết ngày 30/06/2016, BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAGL với khoảng 9.705 tỷ đồng, bao gồm các khoản tín dụng cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu, trong khi vốn điều lệ của HAGL chỉ là 7.899 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 4/2016 của BIDV, ông Trần Bắc Hà thừa nhận BIDV chậm trả lãi đối với các khoản vay trên.
Tuy nhiên, ông cũng trấn an các cổ đông: “Việc BIDV cho HAGL vay là có tài sản đảm bảo, với hệ số tài sản đảm bảo/dư nợ đạt 1,8 lần với giá trị tài sản đảm bảo là hơn 18.000 tỷ đồng".
Chủ tịch Trần Bắc Hà cũng bổ sung thêm: “HAGL quan hệ với BIDV 20 năm nay, vay trả song phẳng nhưng do tình hình thị trường nên có chậm. Khi họ khó khăn, cả 10 ngân hàng cho vay đều thấy cần trách nhiệm đồng hành hỗ trợ. Nếu bán toàn bộ thu đủ nợ gốc và có lãi nhưng họ bán rồi thì ai làm. Chúng ta phải có trách nhiệm vun đắp bình ổn thị trường chứ không bới móc ra”.
Ngoài dư nợ khủng của bầu Đức, BIDV dưới thời Trần Bắc Hà cũng từng nhiều phen khốn đốn bởi các khách hàng như: Phạm Công Danh, Khoáng sản Na Rì, hay PVTex.
Theo cáo trạng của VKS trong vụ án Phạm Công Danh diễn ra năm 2016, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (VNCB) Phạm Công Danh đã dùng 3.070 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng gửi sang BIDV.
Sau đó, Phạm Công Danh đã chỉ đạo lập khống hồ sơ vay của 12 công ty để vay BIDV 4.700 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là bất động sản và tiền gửi của VNCB tại BIDV.
Đáng chú ý cả 12 công ty này đều là những công ty không hoạt động do Danh mượn tên các nhân viên dưới quyền đứng tên, trong đó có cả những nhân viên bảo vệ, lái xe. BIDV đã giải ngân 4.700 tỷ đồng cho các công ty này.
Tại thời điểm cuối năm 2015, CTCP Khoáng sản Na Rì (KSS) vay nợ BIDV chi nhánh Bắc Kạn 948 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn điều lệ của chính công ty này. Tại thời điểm đó, đơn vị kiểm toán cũng lưu ý đến khoản tài sản thiếu chờ xử lý hơn 250 tỷ đồng của KSS, bao gồm giá trị hàng tồn kho 242,6 tỷ đồng và khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Chợ Bắc Kạn 8,2 tỷ đồng.
Đối với khoản nợ của Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex), theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí, PVTex lỗ 1.085 tỷ đồng năm 2014 và 1.255 tỷ đồng trong năm 2015. Vốn chủ sở hữu âm 504 tỷ đồng.
Trong khi đó hợp đồng tín dụng giữa PVTex với BIDV và một số ngân hàng khác lên đến hơn 220 triệu USD tính đến giữa tháng 6/2016.
Nhắc đến việc một số cán bộ ngân hàng tha hóa, biến chất và phải hầu tòa, ông Trần Bắc Hà từng có lần bộc bạch: “Chuyện cán bộ tha hóa, biến chất, tham nhũng thì ở đâu cũng có. Thực tế đã có những vụ án điển hình mang lại tai tiếng cho ngành ngân hàng. Đã có lúc ra ngoài đường không dám nhận mình là người của ngân hàng”.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Theo đó, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho thấy:
Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn; để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động Ngân hàng BIDV.
Ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.