Trần Bắc Hà bị bắt,Trần Phương Bình ra tòa, thị trường tăng điểm
Cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà. |
Kể từ ngày Trần Bắc Hà bị bắt, thị trường Chứng khoán đã trải qua 4 phiên giao dịch tính đến ngày 04/12/2018. Điều đặc biệt là VN-Index lại khởi sắc với mức tăng 28,64 điểm (3,07%) lên mức 958,84 điểm sau 4 phiên giao dịch.
Đó là các phiên giao dịch ngày 29-30/11 và 03-04/12/2018. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường tài chính – chứng khoán. Điều đó cho thấy cựu Chủ tịch HĐQT BIDV đã không còn ảnh hưởng đáng kể đối với thị trường.
Điều đáng nói là chính nhóm cổ phiếu ngân hàng lại trở thành trụ đỡ cho thị trường trong những ngày qua.
Ngoại trừ 3 mã cổ phiếu vốn có giao dịch èo uột là NVB của Ngân hàng Quốc dân (giảm 0,96% còn 10.300 đồng/cp), KLB của Ngân hàng Kiên Long (giảm 3,84% còn 10.000 đồng/cp), và BAB của BacABank không thay đổi so với mức giá 20.500 đồng, tất cả các mã cổ phiếu ngân hàng còn lại đều đồng loạt tăng giá sau 4 phiên giao dịch.
Ngay cả cổ phiếu BID của BIDV sau khi giảm giá nhẹ 0,5% trong ngày 29/11 (ngày xuất hiện tin đồn bắt Trần Bắc Hà và cuối giờ chiều cùng ngày có tin chính thức) cũng đã có liên tiếp 2 phiên tăng giá, trong đó có 1 phiên tăng kịch trần.
Tính chung sau 4 phiên giao dịch, BID tăng 5,86% lên mức giá 33.400 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất của BID trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Trong khi đó, cổ phiếu VCB của Vietcombank đạt mức tăng 4,53% sau khi kết thúc phiên 4/12 ở mức giá 57.600 đồng/cp.
Trong rổ cổ phiếu ngân hàng, VCB được coi là “cổ phiếu vua” do không chỉ có vai trò dẫn dắt nhóm cổ phiếu ngân hàng mà còn dẫn dắt cả thị trường.
VCB hiện là cổ phiếu ngân hàng có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường, đạt hơn 207 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,73% tổng giá trị vốn hóa trên sàn HOSE và chỉ đứng sau VIC của Vingroup, VHM của Vinhomes và VNM của Vinamilk.
Hiện giá trị vốn hóa của VCB lớn gấp 1,8 lần so với BID, gấp 2,12 lần so với TCB của Techcombank và gấp 2,3 lần so với CTG của Vietinbank.
Màn hình hiển thị giao dịch sau khi kết thúc phiên 04/12. |
Cổ phiếu CTG cũng đạt mức tăng khá 5,05% trong 4 phiên vừa qua, đạt 23.900 đồng/cp. Trong khi đó TCB đạt mức tăng 6,30% lên mức giá 27.800 đồng/cp.
Nhưng tăng giá ấn tượng nhất phải kể đến các mã: ACB của Ngân hàng Á châu, VPB của VPBank và LPB của LienVietPostBank. Theo đó, ACB tăng 7,98% lên 31.100 đồng/cp; VPB tăng 6,66% lên 22.400 đồng/cp và LPB tăng 7,60% lên 9.900 đồng/cp.
Tuy nhiên, xét về khối lượng giao dịch, hai mã EIB của Eximbank và MBB của MBBank gây đột biến trong vài phiên trở lại đây. Trong phiên giao dịch ngày 4/12, giao dịch của cổ phiếu EIB bùng nổ với 37 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, chiếm tỷ trọng 21,05% tổng lượng giao dịch trên sàn HOSE. Cổ phiếu EIB cũng tăng 4,42% lên mức 14.150 đồng/cps au 4 phiên giao dịch.
Cũng trong phiên 04/12, cổ phiếu MBB đứng thứ hai về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE với hơn 7,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh thành công, chiếm tỷ trọng 4,35%.
Thực tế MBB đã có 3 phiên giao dịch đột biến khi tổng lượng cổ phiếu được khớp lệnh thành công là 37,568 triệu cổ phiếu. Trong đó, phiên giao dịch ngày 30/11 đã có hơn 19 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công. Con số này là đột biến đối với MBB bởi trước đó chỉ khoảng 2-3 triệu cổ phiếu MBB được khớp lệnh mỗi phiên. Cũng sau 4 phiên giao dịch, giá cổ phiếu MBB tăng 5,5% lên mức 22.000 đồng/cp.
Với các mã cổ phiếu ngân hàng còn lại, STB cuả Sacombank tăng 4,48% lên mức 12.800 đồng/cp; HDB của HDBank tăng 4,44% lên 31.700 đồng/cp; TPB của TienPhong Bank tăng 2,30% lên 26.000 đồng; VIB tăng 3,68% lên 19.700 đồng/cp; SHB tăng 2,7% lên 7.600 đồng/cp.