"Trảm" loạt lãnh đạo Tcty Đường sắt vì lợi ích nhóm
Hàng loạt thay đổi về nhân sự, cơ cấu tổ chức sắp diễn ra tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) nhằm vực dậy một trong những đầu tàu vận tải lớn của ngành giao thông.
Vào thời điểm này, ĐSVN vẫn chưa công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đề nghị bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc vừa được tổ chức vào cuối tuần trước, song khả năng 99% ông Vũ Tá Tùng, Phó tổng giám đốc - nhân sự được Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giới thiệu sẽ thay thế vị trí ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng giám đốc đương nhiệm trong một vài ngày tới.
Mức thu nhập thấp khiến mỗi năm Đường sắt Việt Nam phải giải quyết cho khoảng 500 lao động xin nghỉ việc. Ảnh: H.T |
Ông Tường trước đó đã từ chối hàm vụ trưởng tại Bộ GTVT để ở lại ĐSVN dù chỉ với một chức vụ duy nhất là thành viên chuyên trách Hội đồng Thành viên cho đến khi nhận quyết định nghỉ chế độ.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên báo Đầu tư, ngoài việc thay thế nhân sự cho chức danh Tổng giám đốc, ít nhất 10 vị trí điều hành cấp cao tại ĐSVN nữa sẽ được thay đổi theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ GTVT.
Ngoài việc thay đổi nhân sự mang tính bắt buộc cho vị trí Giám đốc Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn mà ông Tùng để lại; chức Phó tổng giám đốc của ông Ngô Quốc Đông, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt của ông Nguyễn Văn Hiếu (đều bị khởi tố, bắt tạm giam do dính tới nghi án nhận hối lộ từ Tập đoàn JTC, Nhật Bản)… ĐSVN cũng đã tìm xong người thay thế 2 vị trí khá nhạy cảm, bị đánh giá là có vấn đề về năng lực tại tổng công ty 91 này.
Cụ thể, ông Nguyễn Phú Cường, thành viên Hội đồng Thành viên, Kế toán trưởng sẽ chỉ còn đảm nhận vị trí duy nhất là thành viên chuyên trách Hội đồng Thành viên. Thay thế vị trí của ông Cường dự kiến là bà Lê Thị Nhuận, Kiểm soát viên chuyên trách ĐSVN.
Trước đó, Bộ GTVT thống nhất thực hiện quy trình điều động bổ nhiệm ông Lương Quốc Việt, thành viên Hội đồng Thành viên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) giữ chức Kiểm soát viên chuyên trách ĐSVN.
“Chưa bao giờ, chúng tôi chứng kiến sự xáo trộn về nhân sự điều hành cấp cao lớn như vậy”, một lãnh đạo lâu năm của ĐSVN chia sẻ.
Mặc dù Bộ GTVT không tiết lộ lý do, nhưng nhiều khả năng quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu chậm so với yêu cầu đề ra tại ĐSVN là lý do quan trọng dẫn tới sự thay đổi này.
Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của ĐSVN được tổ chức vào đầu tháng 5/2014, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, sự thay đổi tại đơn vị được đánh giá là “lạc hậu cả trăm năm” này chưa đáp ứng tiến độ đề ra tại Đề án Tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2013, cũng như Thông báo 86/TB- VPCP ngày 4/3/2014 về kết luận của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh về điều chỉnh Đề án tái cơ cấu ĐSVN.
“Lãnh đạo ĐSVN bước đầu đã có chuyển biến trong suy nghĩ, nhưng sự quyết tâm mới chỉ dừng ở lời nói, chưa đạt kết quả cụ thể”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá.
Nhận định này là có cơ sở, bởi sau hơn 1 năm triển khai, ĐSVN mới thực hiện được bước đi đầu tiên trong tái cơ cấu với việc sắp xếp Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn và Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt thành 2 công ty vận tải theo địa giới hành chính Bắc - Nam, trên cơ sở chấm dứt sự tồn tại của công ty vận tải hành khách từ ngày 1/4/2014. Hai đơn vị mới này sẽ chấm dứt hạch toán phụ thuộc vào công ty mẹ để tiến tới việc cổ phần hóa sớm.
Được biết, để đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp vận tải đường sắt này, lãnh đạo và các cơ quan tham mưu thuộc Bộ sẽ tăng cường làm việc với Tổng công ty. Bộ trưởng sẽ trực tiếp làm việc với Ban lãnh đạo Tổng công ty mỗi tháng 1 lần; Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ trực tiếp làm việc với Ban lãnh đạo Tổng công ty mỗi tuần 1 lần theo hướng “cầm tay chỉ việc”.
Trước mắt, ông Đông được giao làm việc với Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty để quán triệt về công tác tái cơ cấu, đổi mới; ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên, người lao động Tổng công ty; nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty.
Theo lãnh đạo ĐSVN, mặc dù sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt đã tăng khoảng 15% trong tháng 5/2014, do được hưởng lợi từ việc siết chặt tải trọng xe ô tô, nhưng thị phần vận tải đường sắt hiện vẫn rất thấp.
Hiện thị phần vận tải hành khách của đường sắt chỉ chiếm 0,4% và thị phần vận tải hàng hóa chỉ chiếm 0,7% trong sản lượng vận tải toàn ngành GTVT; doanh thu của công ty mẹ - ĐSVN có vốn chủ sở hữu 1.837 tỷ đồng năm 2013 chỉ đạt 4.932 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 66 tỷ đồng… Nhưng kết quả được đánh giá là rất khiêm tốn so với khối tài sản trị giá hàng tỷ USD mà doanh nghiệp này đang được độc quyền khai thác.
Cần nói thêm rằng, hiện ĐSVN là doanh nghiệp có bình quân thu nhập vào loại thấp nhất trong ngành giao thông (khoảng 6 triệu đồng/tháng). Mức thu nhập quá thấp khiến mỗi năm ĐSVN phải giải quyết cho khoảng 500 lao động xin nghỉ việc, tương ứng 30 tỷ đồng/năm, trong đó có nhiều lao động tay nghề cao.
“Hàng loạt bất ổn về cơ cấu tổ chức; bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm khiến ĐSVN cần sớm có một đại phẫu lớn”, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên ĐSVN thừa nhận.
Theo Anh Minh/ baodautu.vn