Trải nghiệm thú vị qua cuộc săn “chân dài”
Thoáng nhắc đến thuật ngữ “chân dài” rất dễ để người nghe hiểu lầm, nhưng khi đã “mục sở thị” một cuộc săn đêm và thưởng thức món ẩm thực lạ của đồng bào Tày ở đất Vĩnh Yên (Bảo Yên) thì đây quả là một lần trải nghiệm thú vị trong đời...
Kỹ nghệ săn...
Hoàng hôn vừa buông xuống, mặt trời đỏ ối chìm nghỉm sau đỉnh núi bên dòng Nậm Luông, trận mưa đầu mùa bất ngờ ào đến; mưa như trút nước, sấm chớp đùng đoàng. Ngớt mưa, ông Hoàng Văn Sà, ở bản Nậm Mược, xã Vĩnh Yên chuẩn bị hành trang cho một buổi săn đêm. Ông lấy “muông” (giỏ mây) đeo vào bên hông, tay cầm “sâng” (chiếc rổ đan bằng nứa thưa, đường kính rộng cả sải tay) - dụng cụ chuyên để bắt “chân dài” (loài hiu hiu). Lấy đèn pin đeo lên trán, choàng thêm tấm ni lông che mưa, ông Sà cứ thế băng rừng lên khe núi.
Tôi theo ông Hoàng Văn Sà “đột kích thủ phủ” của loài hiu hiu khi màn đêm đã buông tràn cả cánh rừng Nậm Mược. Bên khe núi, nước từ trong vách đá chảy ra tạo thành dòng suối nhỏ mát lạnh. Cứ thế, men theo suối đá, ông Hoàng Văn Sà vừa thao tác kỹ năng bắt hiu hiu, vừa kể cho tôi nghe về những cuộc đi săn thú vị của ông và những người bạn thuở chăn trâu. Như một tay săn thiện nghệ, ông Sà quét một vòng ánh đèn pin khắp khe núi, tạo thành những vệt sáng trên mặt nước loang loáng. Đây rồi, những con hiu hiu (nhiều nơi còn gọi là con chàng hiu, chẫu chàng) đang thỏa sức bơi trong khe nước suối lạnh đón những hạt mưa rừng. Nhanh như cắt, ông Sà dùng “sâng” ụp nhanh xuống mặt nước vớt lên. Tay phải thoăn thoắt “chộp” từng con hiu hiu bỏ vào giỏ đeo bên hông. Cứ thế, ông Sà dầm mình dưới cơn mưa rừng để bắt hiu hiu. Không biết đã bao lần, ông dầm mình dưới cơn mưa rừng như thế, chỉ biết rằng, cứ vào độ này, tranh thủ những lúc gặt lúa vụ xuân xong, ông lại nai nịt gọn gàng, cầm “sâng” vào rừng tìm hiu hiu. Không chỉ ông Sà mà cũng có nhiều người dân ở bản Nậm Mược cứ vào mùa mưa, lại bắt đầu rủ nhau đi săn hiu hiu. Nhất là sau mỗi đận mưa to, loài hiu hiu sống trong khe núi đến mùa sinh sản nhảy lên cây đẻ trứng rồi lại nhảy xuống khe nước. Có người còn gọi hiu hiu là ếch đá, bởi hình thù giống con ếch, sống ở những khe núi đá, nhưng nó nhỏ bằng ngón tay cái, nếu to hơn cũng chỉ bằng ngón chân cái, mình thon dài và đặc biệt đôi chân dài... vì thế, mọi người vẫn gọi vui là con “chân dài”.
Món "chân dài" - đặc sản của vùng đất ven dòng Nậm Luông. |
Hằng năm, cứ đến tháng 7, tháng 8, những đợt mưa rào trút xuống cũng là lúc loài hiu hiu sống trong các khe núi, khe suối sinh sôi nảy nở. Năm nào mưa nhiều thì việc săn hiu hiu càng trở nên dễ dàng hơn bởi loài hiu hiu này thường từ trong khe đá ra ngoài đón mưa, đón nước mới về. Trong suốt 3 tháng mùa mưa, những người đi săn có thể bắt hiu hiu vào buổi trưa, buổi chiều hoặc buổi tối. Thông thường, vào mùa đi bắt hiu hiu, mỗi toán săn khoảng 2 - 3 người cùng nhau mang dụng cụ săn vào khe núi. Khó nhất là kỹ thuật dùng “sâng” để đón và bàn tay khéo léo bắt, bởi hiu hiu nhảy rất nhanh. Có nhiều người đi săn cả buổi chỉ được vài con, trong khi, những tay săn thiện nghệ như ông Hoàng Văn Sà có buổi bắt được 2 - 3 kg hiu hiu tươi.
...và đặc sản “chân dài”
Chuyến săn đêm của ông Sà hôm ấy cũng gặp may. Chẳng mấy chốc, chiếc giỏ đã đầy chặt hiu hiu. Chúng tôi vội vã trở về nhà để mổ hiu hiu và chế biến ngay món đặc sản này, bởi nếu để hiu hiu chết thì công sức cả đêm đi “săn” sẽ trở thành công cốc. Có lẽ, bắt hiu hiu đã khó nhưng chế biến loài vật này thành món ăn hấp dẫn cũng không hề đơn giản.
Món “chân dài” giờ trở thành đặc sản của vùng đất ven bờ sông Chảy. Về Bảo Yên mà không được thưởng thức món ăn lạ này thì chắc hẳn vẫn chưa khám phá hết vốn văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây. Bà Nguyễn Thị Hoa, người Tày ở bản Nậm Pạu (Vĩnh Yên) nhớ lại: “Thời mới lên 6 - 7 tuổi, tôi đã theo mẹ đi bắt hiu hiu. Giờ đầu đã hai thứ tóc, tôi lại muốn phát triển món ăn dân dã này trở thành đặc sản khi du khách đến Vĩnh Yên”. Bởi vậy, nhà hàng mang tên Bằng Nổi của gia đình bà nằm ven tuyến Quốc lộ 279 đoạn Bảo Yên đi Hà Giang đang trở thành điểm dừng chân của bao du khách đến đây để thưởng thức món “chân dài” chiên giòn do chính tay bà Hoa chế biến.
Niềm nở đón khách và không giấu điều gì, bà Hoa vừa đưa món “chân dài” ra khoe với khách vừa kể về cách bắt và chế biến món đặc sản này. Trước đây, đồng bào đi bắt hiu hiu chủ yếu để phục vụ bữa ăn trong gia đình. Thường thì sau khi bắt về, hiu hiu được mổ sạch và nấu canh với rau vón vén (một loại rau rừng), hoặc xào với măng muối chua, làm bánh “moọc”, cũng có thể rán giòn để ăn. Nhưng vì muốn phục vụ khách đến nhà hàng, bà Hoa đã nghĩ ra cách chế biến để có thể “tích trữ” hiu hiu được lâu hơn. Chính vì thế, món “hiu hiu” sấy khô trở thành thực phẩm hàng hóa trong khoảng 5 năm trở lại đây. Từ những bữa ăn của đồng bào Vĩnh Yên, dần dần “chân dài” đã theo thực khách ra khỏi lũy tre làng... và được nhiều người biết đến. Chính bà Hoa đã hướng dẫn người dân trong vùng cách chế biến để bán, nhà hàng làm đầu mối thu mua và tiêu thụ. Cũng từ ngày nhà hàng Bằng Nổi đứng ra bao tiêu sản phẩm, đồng bào ở các thôn Nậm Mược, Nậm Bó, Nậm Pạu, Nậm Kỳ... đã có nghề mới: Nghề săn hiu hiu, hay còn gọi là đi săn “chân dài”.
Thấy chúng tôi lo ngại việc bắt hiu hiu sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của loài động vật này ở nơi đây, bà Hoa bảo: Loài này sinh sản nhanh lắm, cứ mỗi mùa đẻ trứng (tháng 7, tháng 8), từ trong khe đá, hiu hiu bám đầy cây rừng và cũng chỉ có mùa này mới thấy hiu hiu xuất hiện, còn bình thường thì khó mà bắt được.
Thứ Bảy hằng tuần, mỗi dịp chợ phiên Vĩnh Yên, ông Sà và những thợ săn hiu hiu lại mang mẻ hiu hiu mới ra bán cho bà Hoa. Có những phiên chợ bà thu mua đến vài triệu đồng tiền hàng. Bà Hoa cho biết: Hiện có khoảng 4 - 5 người chuyên cung cấp đặc sản này cho nhà hàng. Để có 1 kg hiu hiu sấy khô, người ta thường phải chế biến từ 5 kg hiu hiu tươi sống trở lên. Với giá thu mua 400.000 đồng/kg khô, săn hiu hiu đang trở thành nghề “tay trái” giúp một số gia đình nông dân ở Vĩnh Yên tăng thu nhập.
Ngoài thu mua để phục vụ nhu cầu ăn uống của thực khách khi đến nhà hàng, bà Hoa còn cung cấp cho rất nhiều khách đặt mua ở thành phố Lào Cai, Hà Giang và Hà Nội với giá bán 450.000 đồng - 500.000 đồng/kg. Thời điểm khan hiếm hiu hiu, bà Hoa phải mua với giá 700.000 - 800.000 đồng/kg hiu hiu khô.
Tỏ lòng hiếu khách, lúc ra về, bà Hoa không quên gói cho chúng tôi một ít hiu hiu về làm quà. Tự tay ra vườn hái “phéc hẹ” (lá cây hẹ rừng), gói ít hạt xẻn đưa cho chúng tôi, bà Hoa không quên dặn: Để có món ngon, trước khi chiên hiu hiu cần đập vài nhánh tỏi tươi, ít ớt tươi cho vào chiên cùng với dầu ăn, đảo đều trong ít phút, tới khi thấy da hiu hiu phồng lên là được. Nếu quá lửa, hiu hiu sẽ không còn vị dai và ngọt nữa. Đặc biệt, muốn món “chân dài” ngon hơn phải biết pha chế đồ chấm. Giã “phéc hẹ”, ớt xanh nướng, trộn lẫn với muối trắng, cho thêm ít hạt xẻn sẽ có thứ muối chấm dân dã, nhưng hảo hạng. Vị giòn ngọt, dai dai, thơm thơm của thịt hiu hiu chiên hòa lẫn vị cay nồng của ớt và “phéc hẹ”, vị tê tê nơi đầu lưỡi của hạt xẻn, tạo nên một món ăn ngon đặc biệt, hấp dẫn.
Rời Vĩnh Yên sau một ngày cùng những người dân “đột kích thủ phủ” của “chân dài”, chúng tôi đã có một chuyến trải nghiệm vô cùng thú vị, được thưởng thức món đặc sản có một không hai của đồng bào nơi vùng đất ven dòng Nậm Luông.
Theo Kiều Lê/ Lào Cai online