Trái Đất đã suýt trúng phải siêu bão Mặt Trời cách đây 2 năm
Đó là thông tin do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tiết lộ vào hôm 24/7, hai năm sau sự kiện thoát chết đầy kịch tính của hành tinh hơn xanh. “Nếu đợt phun trào trên bề mặt Mặt Trời diễn ra sớm một tuần thì nó đã ảnh hưởng đến Trái Đất ” - giáo sư Daniel Baker thuộc ĐH Colorado cho biết.
Thật là may mắn khi một con tàu vũ trụ quan sát Mặt Trời của NASA mang tên STEREO-A đã "thế mạng" Trái Đất trải nghiệm trọn vẹn "cơn bão lửa" này. Dựa trên các dữ liệu thu thập được, các nhà khoa học cho biết cơn bão này mạnh gấp hai lần cơn bão Mặt Trời năm 1989 làm toàn bộ tỉnh Quebec ở Canada mất điện. Sức mạnh của cơn bão này được đánh giá tương đương với siêu bão Mặt Trời năm 1859. Theo Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, thiệt hại kinh tế toàn cầu của một cơn bão như vậy ước tính lên tới hơn 2.000 tỷ USD và phải mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi, chưa kể những ảnh hưởng không gì có thể đong đếm được.
Các chuyên gia cho biết bão Mặt Trời có thể gây mất điện trên diện rộng, làm tê liệt các thiết bị điện tử như radio, GPS, thiết bị viễn thông, thiết bị cung cấp nước… Bão Mặt Trời bắt đầu từ những vụ phun trào trên bề mặt Mặt Trời. Vụ nổ này sẽ phóng ra các tia X và tia UV về phía Trái Đất với tốc độ ánh sáng. Vì vậy, chỉ vài giờ sau khi vụ nổ xảy ra, các hạt mang điện tích (electron và proton) sẽ làm chập các vệ tinh và phá hủy các thiết bị điện tử trên đó.
Tiếp theo, các đám mây từ plasma có trọng lượng hàng tỷ tấn được hình thành và phải mất hơn một ngày để di chuyển đến Trái Đất. Các đám mây này thường bị lớp từ trường bao quanh Trái Đất làm chuyển hướng, tuy nhiên trong trường hợp chúng đủ mạnh để xuyên ra "bức tường" này thì những gì nền văn minh của chúng ta phải hứng chịu là cực kỳ thê thảm.
Theo nhà vật lý Pete Riley thì có 12% khả năng một cơn bão Mặt Trời khổng lồ tương tự sự kiện 1859 sẽ đánh vào Trái Đất trong vòng 10 năm tới.
Theo Tinhte.vn