Trách nhiệm của báo chí trong tuyên truyền về chủ quyền biển đảo
Một tàu cá đi ngang qua nhà giàn tại thềm lục địa phía Nam. |
Ngày 20/7 tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức buổi tập huấn bồi dưỡng “Kỹ năng thông tin tuyên truyền đối ngoại về chủ quyền biển đảo” cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực TP.
Đến tham dự có Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại Đoàn Công Huynh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông – Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh rằng báo chí là lực lượng rất quan trọng, gánh vác trách nhiệm chính trong việc tuyên truyền các thông tin về biển đảo đến người dân trong nước và quốc tế.
Do đó ông đề nghị những người làm công tác này không ngừng trau dồi kiến thức để hạn chế tối đa sai sót, thực hiện tốt trách nhiệm của người cầm bút nhằm “giúp mọi người hiểu rõ hơn chính nghĩa của nước ta trong việc đấu tranh, giải quyết các vấn đề liên quan chủ quyền trên biển”.
Trong một ngày làm việc, các phóng viên, biên tập viên tham dự đã được cập nhật kiến thức, cung cấp thông tin về Biển Đông và dự báo tình hình trong thời gian tới. Ngoài ra, mọi người còn tổ chức thảo luận về kỹ năng tuyên truyền trên báo chí, đồng thời học tập lẫn nhau những kỹ năng tác nghiệp, khai thác nguồn tin trong vấn đề này.
Chia sẻ về những lần tác nghiệp của mình, nhà báo Mai Thanh Hải (báo Thanh niên) cho rằng, các phóng viên cần cân bằng hơn khi đưa tin, bởi ngoài Hoàng Sa và Trường Sa chúng ta vẫn còn hàng ngàn hòn đảo trải dài từ Bắc đến Nam, ở đó cũng có rất nhiều đề tài, câu chuyện hay mà báo chí chưa nhắc đến.
Đề cập đến việc tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa, ông chia sẻ: "Phóng viên cần tìm ra góc nhìn mới bằng cách hòa mình vào cuộc sống của người dân, chiến sĩ trên đảo, bởi mỗi năm có hàng trăm nhà báo ra đảo nên những chủ đề quen thuộc gần như đã được khai thác đến mức cạn kiệt".
Trong khi đó nhà báo Bùi Thanh (báo Tuổi trẻ) nhấn mạnh rằng: Phóng viên phải luôn cập nhật các kiến thức về luật pháp, đặc biệt là luật pháp quốc tế liên quan đến biển đảo, bởi “có những điều trước đây đúng nhưng nay không còn đúng nữa”.
Ông nhận định những sai sót trong công tác thông tin về biển đảo trên các phương tiện truyền thông đã ít đi đáng kể, nhưng hiện nay các cơ quan quản lý lại phải đối mặt với những tin tức giả được tung ra trên các mạng xã hội.
Theo nhà báo Bùi Thanh, để hạn chế những sai sót thì các tòa soạn và phóng viên buộc phải có những nguyên tắc chặt chẽ khi xử lý nguồn tin, bởi khi qua nhiều nguồn, nhiều cấp, tin tức có thể tam sao thất bản từ đó tiềm ẩn những hậu quả rất nặng nề.
Ông cũng cho rằng, trong vấn đề này các phóng viên, biên tập viên cần phải am hiểu được các đối sách của nhà nước để “tuân thủ một cách tự giác”. Một trong những cách là phải có được nguồn tin chính thống từ các cơ quan chức năng, các chuyên gia trong lĩnh vực biển đảo vì họ sẽ là những người đưa ra thông tin, dữ liệu tốt nhất.
Khung cảnh lớp tập huấn. |
Trong khi đó nhà báo, Thượng tá Phan Tùng Sơn (báo Quân đội Nhân dân) nhìn nhận rằng việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo “chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay”.
Minh chứng cho đều này, ông dẫn ra ví dụ, rằng nếu như trước đây chỉ có các báo Quân đội được ra Trường Sa trên những con tàu rất chật hẹp thì nay rất nhiều phóng viên các tờ báo được ra, trên những con tàu rộng rãi, sạch đẹp.
Đồng quan điểm với nhà báo Mai Thanh Hải, Thượng tá Sơn cho rằng: “Đang có sự phiến diện, quá chú tâm vào Hoàng Sa – Trường Sa mà quên rằng biển chúng ta rất dài và rộng, đặc biệt phía Nam còn nhiều quần đảo, hòn đảo chưa khai thác đề tài”.
Ông cũng nêu quan điểm rằng các phóng viên phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác định hướng và từ bỏ cách làm để “câu view” (lượt đọc), nhằm hướng tới mục đích chung của cả nước là bảo vệ cho được chủ quyền biển đảo.
“Phóng viên cần nhạy bén để không bị “hớ” trước các thông tin, phải có nhãn quan chính trị để cân nhắc rằng đưa tin đó sẽ có lợi, có hại gì đối với lợi ích dân tộc, mối quan hệ ngoại giao với các nước. Nếu chỉ để thỏa mãn sự tò mò của độc giả thì tuyệt đối không đưa” – Thượng tá Sơn cho hay.
Ông nhấn mạnh rằng: “Ai cũng muốn nhanh, nhưng nếu nhanh mà chưa tin tưởng, còn chậm mà chắc chắn, thì nên chọn vế thứ 2, bởi chỉ một tin nhỏ cũng có thể phương hại lớn đến quyền lợi quốc gia” – ông chia sẻ.