Trả lương bạc tỷ: Sếp ngân hàng nào nhận lương khủng nhất, ở đâu "bèo" nhất?
Không phải ngân hàng nào cũng công khai mức chi thù lao cho Hội đồng quản trị, nhưng với những ngân hàng công khai mức thu nhập của các “sếp”, không phải ngân hàng nào cũng mạnh tay chi thù lao cho HĐQT.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là một trong số các ngân hàng dẫn đầu thị trường về mức chi thù lao HĐQT và Ban Kiểm soát. Con số này đã được cổ đông phê duyệt là 1% lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tương đương 32 tỷ đồng nếu Ngân hàng này đạt kế hoạch 3.200 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2016. Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của VPBank hiện chỉ có 9 thành viên. Tính ra nếu đạt mục tiêu, mỗi thành viên HĐQT lĩnh hơn 3,6 tỷ mỗi năm.
Một ngân hàng TMCP khác có mức chi không kém là Techcombank, ngân hàng này thông qua kế hoạch trả thù lao năm 2016 cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát với mức cố định là 29,54 tỷ đồng. Theo cơ cấu quản trị ngân hàng, số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của Techcombank là 11 người, như vậy mức thu nhập bình quân cho mỗi thành viên lên đến 2,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, với kết quả kinh doanh khả quan, không khó hiểu khi Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng Vietcombank phê duyệt quỹ lương cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát ở mức trung bình 1,9 tỷ đồng/người cho năm 2015. Trong năm 2016, Vietcombank vẫn đề xuất cổ đông thông qua mức thù lao đối với Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế, trong khi ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến 7.500 tỷ đồng. Theo danh sách cập nhật, nếu đạt kế hoạch lợi nhuận, mức thù lao bình quân cho mỗi thành viên tối thiểu là 2,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, Maritime Bank dự kiến mức thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2016 ở mức 16 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2015. Với 9 thành viên tất cả, mức lương bình quân mỗi cá nhân nhận được trong năm 2016 là 1,7 tỷ đồng.
Còn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), thù lao dành cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2016 được duyệt ở mức khiêm tốn hơn rất nhiều, chỉ 8,2 tỷ đồng. Dù vậy con số này vẫn cao hơn so với mức chi năm 2015 khoảng 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, bộ máy Hội đồng quản trị và ban kiểm soát hiện tại của OCB chỉ có 8 người, nên mức bình quân mỗi người sẽ nhận trong năm 2016 là hơn 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Nam Á Bank lại đặt kế hoạch chi 18 tỷ đồng thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trong năm 2016, một mức chi mà theo phản ánh của cổ đông ngân hàng này là khá cao so với mức chi cổ tức 5% của năm 2015. Hiện có 19 thành viên trong ban lãnh đạo của Nam Á Bank.
Tại tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm của Eximbank sẽ diễn ra vào ngày 2/8 tới, Eximbank dự kiến trình tổng mức thù lao cho HĐQT và ban kiểm soát trong năm 2016: “Trong năm 2016, HĐQT cần tập trung tiếp tục xử lý các tồn đọng, nợ xấu, thiết lập và thực thi các đề án tái cơ cấu, cũng như xây dựng chiến lược nhằm phát triển Eximbank một cách ổn định và vững mạnh. Do đó, HĐQT kính trình Đại hội đồng cổ đông xem xét, phê duyệt tổng thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát trong năm 2016 với mức 1,5% của tổng lợi nhuận trước thuế, nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng”.
Trong khi đó, Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2016 là 720 tỷ đồng. Hiện tại, HĐQT và Ban kiểm soát của Eximbank có 14 người, trong trường hợp mức thấp nhất, bình quân mỗi thành viên cũng sẽ nhận được mức thù lao tối thiểu 700 triệu đồng. Còn theo báo cáo thường niên năm 2015, Eximbank công bố mức thu nhập bình quân của toàn thể nhân viên là 15 triệu đồng/tháng.
Tại Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng Á Châu (ACB), mức thù lao năm 2016 được thông qua là 6,9 tỷ đồng, cao hơn 1 tỷ đồng so với năm 2015. Hiện số thành viên trong HĐQT của ACB là 9 thành viên. Theo giới thiệu trên website của ACB, ngân hàng này có 13 thành viên HĐQT và Ban kiểm soát, như vậy bình quân mỗi thành viên nhận 530 triệu đồng thù lao trong năm 2016.
Không đặt ra mức thu nhập cố định như nhiều ngân hàng khác, tại Đại hội đồng cổ đông của Bac A Bank diễn ra hôm 11/4, thù lao của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát được đề xuất là bằng 0,25% lợi nhuận sau thuế năm 2016. Trong khi đó, ngân hàng này đặt mục tiêu 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2016.