TPP là bước ngoặt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam
Tác động của TPP đến kinh tế Việt Nam và khu vực là chủ đề của buổi hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Trung tâm WTO thành phố phối hợp Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM tổ chức vào chiều 28/12.
Hội thảo có hơn 150 đại biểu là nhà nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước, chuyên gia tham gia đàm phán của Chính phủ, chuyên gia từ các viện, trường đại học ở TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến tham dự.
Ông Ngô Công Khanh – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương đánh giá, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra khả năng tiếp cận thương mại thế giới dễ dàng hơn cho doanh nghiệp nội dựa trên những cam kết thương mại có tính tự do cao, cạnh tranh minh bạch giữa các nước thành viên.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung, TPP được xem là cơ hội để phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xuất khẩu trong nước được đánh giá sẽ có bước đột phá khi hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên của hiệp định được xóa bỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài góp phần gia tăng thương mại, đầu tư, phát triển nguồn lao động.
Hội thảo là dịp các chuyên gia, nhà nghiên cứu đề xuất ý kiến góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước khi gia nhập TPP trong thời gian tới. |
Theo ông Hà Duy Tùng – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng tham gia TPP là bước ngoặc quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam khi khu vực các nước thành viên hiệp định có dân số trên 800 triệu người, chiếm 40% GDP và 1/3 tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
Vào TPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần như 100% số dòng thuế nhập khẩu trong hiệp định. Trong đó gần 66% số dòng thuế sẽ về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và các dòng thuế khác cũng giảm dần theo thời gian. Điều này mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng không ít thách thức.
Theo TS Dương Như Hùng – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, nước ta chủ yếu gia công, xuất khẩu tại chỗ nên phần lớn lợi ích tiết kiệm thuế nhập khẩu rơi vào tay các thương hiệu lớn, công ty đa quốc gia. Trong khi các thương hiệu lớn khi vào nước ta thường kiểm soát hệ thống phân phối nên sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu tại Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia có chung ý kiến rằng doanh nghiệp trong nước cần phải xác định rõ cơ hội và khó khăn khi tham gia TPP. Thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp là làm thế nào để đứng vững và phát triển khi phải chịu áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó còn có các quy định khắc khe khác như xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ, điều kiện người lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, các vấn đề pháp lý….
Để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi gia nhập TPP, các chuyên gia đưa ra giải pháp là Nhà Nước cần tạo ra hành lang pháp lý phù hợp. Đối với doanh nghiệp thì cần nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tạo giá trị gia tăng và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…