TP.HCM: Xây dựng bảo tàng để thu hút nhiều hơn học sinh, sinh viên
Quán triệt nội dung trên UBND TP vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các Thư viện, Bảo tàng, Nhà Văn hoá, Câu lạc bộ” giai đoạn 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Bến nhà rồng - địa chỉ văn hóa được rất nhiều người tới thăm mỗi năm. |
Theo đó trong lĩnh vực bảo tàng, về công tác triển lãm, TP yêu cầu tổ chức trưng bày theo chuyên đề phục vụ các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện lớn trong năm, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017). Tổ chức triển lãm lưu động các chuyên đề đến các địa phương trên địa bàn thành phố, nhất là vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra còn thực hiện nhiều hoạt động khác như: Tuyên truyền về di tích Lịch sử văn hóa của thành phố, tiếp tục phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền cho các em học sinh; Tổ chức thi tìm hiểu di tích; Phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện tổ chức các chương trình thi tìm hiểu di tích với hình thức và nội dung phong phú có sức thu hút nhiều đối tượng tham gia, nhất là khối các trường phổ thông.
TP yêu cầu các bảo tàng phấn đấu thu hút, tăng số lượt khách nội địa và khách nước ngoài tham quan các Bảo tàng, nhà truyền thống, trong đó khuyến khích khách tham quan là học sinh, sinh viên. Tiếp tục nghiên cứu có chế độ miễn giảm phù hợp cho các đối tượng học sinh, sinh viên, người già, người khuyết tật, công nhân, … đến tham quan tại Bảo tàng.
Để đóng góp và các hoạt động liên quan đến giáo dục, TP đề nghị các bảo tàng triển khai thực hiện hoạt động sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên theo Hướng dẫn số 73/HD-BVHTTDL ngày 16 tháng 01 năm 2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về định hướng đến năm 2020, TP cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử tự nhiên thành phố, Bảo tàng Tổng hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; nâng cấp, chỉnh lý trưng bày theo hướng khoa học, hiện đại và xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các Bảo tàng của thành phố.
Đồng thời hằng năm thực hiện từ 3 đến 5 cuộc trưng bày bổ sung tại các di tích lịch sử, các thiết chế văn hóa cơ sở. Xây dựng các bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu để phối hợp với các đơn vị trong và ngoài thành phố tổ chức trưng bày lưu động giới thiệu quảng bá bản sắc văn hóa thành phố.
Bên cạnh đó sẽ có các giải pháp để thu hút số lượt khách tham quan điểm trưng bày Bảo tàng, nhà truyền thống trên địa bàn thành phố hằng năm tăng bình quân từ 8% đến 10%, trong đó khuyến khích khách tham quan là học sinh, sinh viên. Các Bảo tàng đều có chế độ miễn giảm phù hợp cho các đối tượng học sinh, sinh viên, người già, người khuyết tật, công nhân……
Các Bảo tàng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền về di tích Lịch sử văn hóa truyền thống của thành phố, thông qua việc phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ chức tuyên truyền cho các em học sinh tại các Bảo tàng và trường học, xem đây là hoạt động ngoại khóa thường xuyên.