TP.HCM: Truy xuất nguồn gốc thịt lợn gặp khó vì nguồn cung
Ông Nguyễn Ngọc Hoà – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đã thông tin tại cuộc họp báo công bố thông tin về kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt lợn trên địa bàn thành phố vào sáng 31/7.
Đề án quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn thuộc mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai tại TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020. Đề án đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát nguồn gốc thịt lợn từ trang trại đến tay người tiêu dùng thông qua 4 chủ thể gồm: Trang trại chăn nuôi – Giết mổ - Đơn vị phân phối – Mạng lưới bán lẻ.
Hơn 85% nguồn cung thịt lợn của TP.HCM đến từ các tỉnh thành khác. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Thành phố là địa phương tiên phong trong đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn, tuy nhiên bước đầu thí điểm đã cho thấy nhiều khó khăn.
Cụ thể, TP.HCM chưa thể chủ động được nguồn cung thịt lợn bởi tới hơn 85% nguồn cung cho Thành phố đến từ các tỉnh thành khác. Những nơi này chủ yếu được TP.HCM khuyến khích tham gia đề án chứ chưa có quy định, phân công cụ thể.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM còn cho biết, qua kiểm tra việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn vào đêm 30 đến rạng sáng 31/7, có 8.400 con được nhập về hai chợ đầu mối lớn là Bình Điền và Hóc Môn cùng các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Trong số đó 1.205 con lợn (tương ứng 13%) cơ quan chức năng truy xuất được nguồn gốc.
Nhiều trường hợp tiểu thương nhập lợn về chợ bán nhưng không gắn vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc, bị cơ quan chức năng lập biên bản. Tại chợ Hóc Môn, chỉ có vài trường hợp kiểm tra đáp ứng điều kiện gắn vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc, trong khi đó tại chợ Bình Điền hầu như không tiểu thương nào gắn vòng nhận diện trên thịt lợn.
Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt với mặt hàng thịt lợn, theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, kể từ ngày 31/7/2017, Sở Công Thương Thành phố sẽ phối hợp cùng các cơ quan ban ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát 100% thịt lợn nhập vào hai chợ Bình Điền, Hóc Môn và các cơ sở giết mổ trên địa bàn.