TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp không nhận bồi thường dù bị đập phá
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã tự khắc phục hậu quả sau khi đập phá (Ảnh minh hoạ) |
Là một trong những nơi bị biểu tình quá khích đập phá, nhưng so với các tỉnh thì mức độ thiệt hại của TP.HCM có phần nhẹ hơn. Ông Hồ Xuân Lâm, Chánh Văn phòng BQL KCN – KCX TP.HCM cho hay, do thiệt hại nhẹ nên các doanh nghiệp bị đập phá do hành vi biểu tình quá khích không cần sự hỗ trợ về ngân sách của nhà nước.
Bản thân một số doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhất trên địa bàn thành phố cũng từ chối sự hỗ trợ về vật chất. Thay vào đó, các doanh nghiệp này chỉ mong muốn an ninh trật tự được các cơ quan chức năng siết chặt. Hiện, 100% các doanh nghiệp Đài Loan ở đây đã ổn định sản xuất trở lại.
Còn tại Đồng Nai, có 162 công ty bị các đối tượng quá khích tham gia biểu tình đập phá gây hư hỏng và thất thoát tài sản. Điều này khiến các doanh nghiệp này phải “cửa đóng then cài” trong nhiều ngày nay.
Tuy nhiên, theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày hôm nay (20/5), có hơn 90% doanh nghiệp đã trở lại làm việc. Duy chỉ còn một số doanh nghiệp tại các KCN Tam Phước, Nhơn Trạch, Amata… vẫn đang trong thời gian khắc phục hậu quả để sớm quay trở lại sản xuất.
Trao đổi với PV, ông Mai Văn Nhớn, Phó Trưởng BQL KCN – KCX tỉnh Đồng Nai cho biết, sẽ kiến nghị với Tỉnh ủy và UBND hỗ trợ về thuế, hải quan, tiền thuê đất, an ninh… cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Đơn cử, sẽ khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào cho số lượng nguyên vật liệu, hoãn, giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời giúp doanh nghiệp phục hồi dữ liệu liên quan đến thuế.
Riêng đối với hải quan sẽ hỗ trợ thủ công để các doanh nghiệp khai báo và xin lại dữ liệu của doanh nghiệp từ Tổng cục Hải quan. Nhất là, BQL sẽ cung cấp tất cả giấy phép, giấy chứng nhận cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Riêng tại Bình Dương là tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất sau những hành vi đập phá, đến nay cũng tạm thời ổn định. Đơn cử tại KCN Đồng An đã có 70% doanh nghiệp hoạt động trở lại, vói 30.000 lao động. KCN Việt Nam – Singapore có 300/326 doanh nghiệp với 60.000 công nhân sản xuất lại bình thường.
Các doanh nghiệp này cho biết, họ nhận thức rõ được bản chất của sự cố này xảy ra ngoài ý muốn nên phần lớn các doanh nghiệp bị đập phá vẫn quyết định trả lương đầy đủ cho công nhân. Tuy nhiên, BAL KCN Bình Dương cho hay, Bình Dương đang thành lập một ban để có điều kiện thống kê thiệt hại cho các doanh nghiệp. Sau đó sẽ trình UBND tỉnh để có hướng hỗ trợ phù hợp và cụ thể cho từng doanh nghiệp.