TP.HCM: Chợ tự phát là đầu mối phát sinh thực phẩm bẩn
Những người bán hàng rong được một đảng viên tại quận Tân Phú cho thuê chỗ bán với giá "tượng trưng". |
Ngày 7/6, Phó chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp với Ban quản lý an toàn thực phẩm (Ban quản lý) và đại diện 24 quận huyện để đánh giá về công tác quản lý nguồn gốc thức ăn ở TP hiện nay.
Báo cáo tại đây, đại diện Ban quản lý cho biết lực lượng này vẫn đang gặp những hạn chế, đặc biệt là về nhân sự.
Theo đó, mỗi quận, huyện chỉ có 1 – 2 người phụ trách công tác này, còn ở cấp phường xã là kiêm nhiệm nên hạn chế về thời gian, nghiệp vụ. Trong khi đó số lượng các cơ sở kinh doanh liên quan đến thực phẩm, ăn uống rất lớn.
Ngoài ra TP còn rất nhiều nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống không phép; giết mổ gia cầm tự phát; sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc…
Ông Lê Minh Hải – Phó trưởng Ban quản lý thừa nhận rằng hiện quản lý công tác an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống rất hạn chế, do không xác định được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Ông đề nghị UBND quận, huyện phải chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tăng cường kiểm tra tại chợ, đồng thời giải tỏa dứt điểm các nơi tự phát.
Cũng theo ông Hải, lực lượng kiểm tra đang thiếu cả dụng cụ kiểm tra nhanh và kinh phí để lấy mẫu thực phẩm.
Phát biểu tại đây, ông Tuyến cho rằng rất khó kiểm tra tất cả các mẫu thực phẩm. Do đó cần chọn lọc những nơi trọng tâm để kiểm tra và xử phạt thật nặng nếu phát hiện sai phạm, từ đó làm gương cho những cơ sở khác.
Phó chủ tịch TP nhận định rằng với 468 nhân sự thì lực lượng của Ban quản lý không phải là nhỏ. Tuy nhiên ông “cảnh báo” rằng không được “rình mò để kiểm tra, làm khó, nhằm nhận phong bì. Theo ông cách làm đó không có tác dụng mà còn “làm hư cán bộ”.
Liên quan đến các chợ tự phát, lấn chiếm lòng lề đường ông Tuyến chỉ đạo các quận huyện phải gửi kế hoạch giải tỏa những nơi này chậm nhất vào ngày 15/7.
Ông chia sẻ rằng dù đây là nơi mưu sinh của những người có thu nhập thấp, nhưng cũng là đầu mối phát sinh thực phẩm bẩn.
“Thực phẩm có nguồn gốc chưa chắc đã sạch, nhưng dù sao cũng giúp chúng ta kiểm soát được, từ đó mới chọn lọc được thứ an toàn” – ông Tuyến nói, và cho biết mục tiêu của TP là đến giữa năm 2018 sẽ không còn chợ tự phát.
“Việc này khó nhưng TP sẽ kiên quyết làm” – ông nhấn mạnh.
Để bù lại những chợ tự phát bị giải tỏa, Phó chủ tịch TP đề nghị Sở Công thương lập kế hoạch đưa các cửa hàng lưu động bán hàng bình ổn, các cửa hàng tiện lợi vào khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con lao động, công nhân.
Đánh giá chung về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh rằng chỉ cần lỏng lẻo ở một khâu nào đó thì hậu quả sẽ xảy ra. Vì vậy ông giao trách nhiệm chính cho chủ tịch phường, xã và cho biết sẽ xử lý khi không hoàn thành nhiệm vụ.
“Không để xảy ra chuyện khi vi phạm thì đi xin, hoặc cấp phép cho có; cấp rồi không đi kiểm tra” – Phó chủ tịch TP chỉ đạo.
Đề cập cụ thể đến việc xử lý những nơi vi phạm, ông Tuyến đề nghị Ban quản lý nghiên cứu quy định niêm phong các cơ sở, cửa hàng không đạt. Ông cho rằng đây là cách làm răn đe, hiệu quả hơn việc cấp giấy chứng nhận an toàn, đồng thời người dân dễ nhận biết hơn.
Theo Phó chủ tịch TP, mục đích của việc kiểm tra không phải để phạt tiền các cơ sở vi phạm, mà là để chấn chỉnh, nhắc nhở.
Cũng theo ông nếu quận phát hiện được tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì phường sẽ phải chịu trách nhiệm. Tương tự, nếu TP phát hiện được thì quận sẽ phải chịu trách nhiệm.