TP.HCM: Bán hết các DN Nhà nước nắm dưới 50% vốn
Ngày 27/5, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố. Mặc dù TP.HCM là thành phố luôn dẫn đầu trên cả nước về nhiều lĩnh vực, nhưng việc chuyển đổi hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lại rất chậm chạp.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện thành phố đã thành lập 28 Ban chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) sẽ thực hiện CPH 79 DNNN, đã xác định giá trị của 22 DNNN, 14 DN đã chọn được tư vấn cho và 8 DN đã công bố giao nhà xưởng. Trong đó đã có 4 DNNN đăng ký hoàn thành CPH trước kế hoạch.
Thành phố đã và đang triển khai tái cơ cấu các DNNN, với 17 tổng công ty và 14 công ty mẹ con, đã phê duyệt 13/14 đề án tái cơ cấu (còn lại đề án của Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn). Nội dung chính của các đề án tái cơ cấu là tập trung vào sản xuất kinh doanh chính, thoái vốn ngoài ngành (tài chính, ngân hàng), tập trung vào công nghệ thông tin để tăng năng suất lao động.
Trong quý 2 năm nay, thành phố sẽ hoàn thành cổ phần hóa công ty TNHH một thành viên Vật phẩm văn hóa Sài Gòn.
Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (SGC), khó khăn lớn nhất của việc CPH là thời điểm hiện tại thị trường chứng khoán xuống thấp, thị giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị sổ sách rất nhiều. Do đó, các nhà đầu tư khi mua chọn lựa các mã cổ phiếu có tính thanh khoản tốt, tức cổ phiếu của những DN đã lên sàn, còn những DN thực hiện IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu) thì lượng mua rất thấp. Trong khi đó, việc định giá DNNN để CPH lại bị vướng, vì trước đây khi định giá có tính đến lợi thế vị trí, điều này đã làm mất đi cơ hội thu hút các nhà đầu tư đổ tiền vào DN CPH.
Theo ông Lê Mạnh Hà, thoái vốn cũng là vấn đề trọng tâm của tái cơ cấu DNNN. Chủ trương là những DNNN có trên 50% vốn của Nhà nước sẽ thoái một phần, còn những DNNN có vốn Nhà nước dưới 50% sẽ được bán hết.
Năm 2013, các DNNN tại thành phố đã thoái vốn được trên 85 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn đầu tư vào ngân hàng là 65 tỷ đồng, từ công ty chứng khoán khoảng 8 tỷ đồng, từ quỹ đầu tư trên 5 tỷ đồng, thoái từ công ty con và công ty liên kết trên 7 tỷ đồng. Năm 2014 đã thoái được 41 tỷ đồng. Dự kiến sẽ thoái gần 1.500 tỷ đồng trong năm nay.
"Khó khăn của thoái vốn là thủ tục rất phức tạp, DN lẽ ra phải quyết ngay khi có lợi nhưng còn phải hỏi các cơ quan quản lý, như vậy đã mất thời cơ thoái vốn", ông Lê Mạnh Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, trong vấn đề CPH thì TP.HCM đang vướng vấn đề thoái vốn ngoài ngành ở những đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị (hợp tác với Lào, Campuchia…), kiến nghị Chính phủ và các Bộ xem xét các cam kết đó. Vì chương trình CPH trong 02 năm với 31 DNNN thì khối lượng công việc khá lớn, với lượng vốn lớn cần thoái ngoài ngành các đối tác khó có khả năng hấp thụ vốn. Cần phải có lộ trình để các đối tác nước ngoài tham gia.
Để đẩy nhanh quá trình CPH, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, đây là giai đoạn thành phố phải hành động để có kết quả CPH thực tế nhằm tăng năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả quản trị của các DNNN. TP.HCM hiện còn tồn 104 DNNN phải cơ cấu, sắp xếp lại (CPH 79 DN và sắp xếp lại 25 DN). Ban chỉ đạo CPH phải kiên quyết, nếu quá trình thực hiện có gì vướng mắc phải kiến nghị lên Chính phủ ngay để có cơ chế xử lý và giải quyết nhanh.