TP.HCM 40 năm phát triển: Chủ động thực hiện “kế hoạch B”
Tham gia buổi hội thảo có nhiều vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP qua các thời kỳ. Theo thống kê của Ban tổ chức thì đã có 125 tham luận về nhiều vấn đề của các nhà khoa học, trí thức, cán bộ được gửi đến.
Một góc TP.HCM hiện nay. |
Thành phố phải thực hiện “kế hoạch B”
Đây là một trong những quan điểm được nêu ra trong bài tham luận của ông Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ông Lịch cho biết, từ cuối năm 1979, để thoát khỏi tình trạng suy thoái TP đã chủ động tìm kiếm những biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất “bung ra”.
Các đại biểu dự buổi hội thảo. |
Theo ông, khi đó Thành phố phải thực hiện “kế hoạch B”, mà thực chất là tự tìm kiếm nguồn vật tư, nguyên liệu, tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dù đây là hành vi phạm vào điều cấm của cơ chế quản lý lúc bấy giờ. Từ đó nhiều doanh nghiệp đã “tự cứu” được mình vì nó bắt đầu có “hơi thở của thị trường”.
“Tuy nhiên sự năng động, sáng tạo để vượt qua khó khăn của TP cũng nhận được không ít phê phán là làm trái với những nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhưng lãnh đạo TP vẫn kiên trì thực hiện” – ông Lịch nói.
Tại bài tham luận của mình, ông Lịch tiếp tục đưa ra những luận điểm phản ánh cơ sở thực tiễn hình thành nền kinh tế của nước ta. Từ đó ông liên hệ với những những việc làm cụ thể của TP nhằm làm nổi bật lên vai trò của nơi này như một đầu tàu trong việc tìm kiếm cách thức, cơ hội để vượt qua những khó khăn trong điều kiện của những người mở đường.
Đánh giá trong 40 năm qua TP đạt được rất nhiều thành tựu lớn, nhưng ông Lịch vẫn nêu ra ba vấn đề lớn đang đặt ra cho bài toán phát triển của TP, đó là: cơ cấu kinh tế; kết cấu hạ tầng đô thị và hành chính công cần có sự đột phá.
“Với truyền thống năng động, sáng tạo, không dừng bước trước khó khăn, hy vọng TP sẽ đi đầu trong việc tạo lập môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao đối với khu vực, trong đó xây dựng nền công vụ mang tính phục vụ là khâu đột phá” – ông Lịch kết thúc bài tham luận.
“Sự phát triển của TP gắn liền với quá trình đổi mới của đất nước”
Trong khi đó tại phần tham luận của mình, ông Vương Đình Huệ - Trưởng ban kinh tế trung ương nhận định, một trong những thành tựu và cũng là đóng góp quý báu của TP đối với đất nước là từ thực tiễn của mình, TP đã tìm tòi, nghiên cứu và phát triển đường lối đổi mới chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là về mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Ông Vương Đình Huệ |
Ông Huệ đánh giá thành tựu trước hết của TP trong 40 năm qua là sự nhận thức, hoàn thiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng và tiến bộ xã hội. Đồng thời, những thành tựu trong 30 năm đổi mới cũng bắt nguồn từ sự nhạy bén, đổi mới tư duy của Đảng bộ và nhân dân TP về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.
Theo ông Huệ, chính việc thực hiện nhiều chính sách đột phá cho một nền kinh tế mở đã tạo điều kiện để các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường phát huy năng lực. Do đó sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế trên địa bàn TP gắn liền với quá trình đổi mới kinh tế của nước ta.
“Từ thực tiễn đổi mới tại TP.HCM cho thấy, sự tồn tại, phát triển của một cơ cấu kinh tế đa thành phần là tất yếu, khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. […] Sự phát triển của các thành phần kinh tế trên địa bàn TP đã thể hiện sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế dân doanh” – ông Huệ nói.
Đề cập đến vai trò của doanh nghiệp nhà nước tại TP, ông Huệ cho rằng dù thu hẹp về tỷ trọng nhưng không làm giảm vai trò của nhà nước trong định hướng và đảm bảo an sinh xã hội. Trong những năm qua nguồn thu của loại hình doanh nghiệp này tiếp tục tăng đã tạo điều kiện tốt hơn để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
“Thực tiễn của TP cho thấy, để ổn định vĩ mô không nhất thiết phải có nhiều doanh nghiệp nhà nước, mà cốt lõi là doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động thật sự có hiệu quả” – ông Huệ cho hay.
Theo Ban tổ chức, sau khi Hội thảo kết thúc, những bài tham luận này sẽ được tập trung và in thành sách “Thành phố Hồ Chí Minh 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” để phát hành rộng rãi. Đây có thể coi là một trong những nguồn cung cấp tài liệu thực tiễn cho công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý TP, cũng như nâng cao lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân.