Tổng thư ký LHQ cảnh báo “leo thang căng thẳng” về quân sự sau không kích Syria
Sau sự việc Mỹ cùng với Anh và Pháp thực hiện các cuộc không kích nhằm đáp trả cái được cho là "cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học do chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo những hành động của phương Tây đang khiến “căng thẳng quân sự leo thang” lên một tầm cao mới trong khu vực.
Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Jaafari (phải) sau cuộc họp liên quan đến tình hình ở Syria tại Liên Hợp Quốc. |
Cuộc không kích nhằm vào nhiều vị trí của Syria vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi khi cho đến nay vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học ở Douma vẫn chưa được điều tra rõ ràng, song Mỹ và các nước đồng minh ngay lập tức khẳng định rằng quân chính quyền Assad đã gây ra vụ việc này.
Phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình chiến tranh Syria, ông Guterres nói rằng “căng thẳng gia tăng cũng như việc các bên liên quan không thống nhất được một cơ chế hòa bình đáng tin cậy đang khiến khu vực đứng trước một sự leo thang căng thẳng quân sự mới”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng nhận định rằng các bên phải thống nhất tìm cách xác định liệu một cuộc tấn công bằng chất độc hóa học ở Douma (Syria), được cho là khiến khoảng 60 người chết và 500 người khác bị thương, có thực sự xảy ra vào ngày 7/4 hay không.
Trong khi đó, ông Guterres cũng lo ngại rằng “Chiến tranh Lạnh đang trở lại mạnh mẽ. Điểm khác biệt so với trước đây đó là những cơ chế nhằm giảm thiểu những nguy cơ làm căng thẳng leo thang đã từng có trong quá khứ giờ đây không còn tồn tại nữa”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết, trong suốt 7 năm chiến tranh vừa qua, người Syria vẫn phải đối mặt với “rất nhiều sự thống khổ”, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn được áp dụng trong bối cảnh cuộc chiến đã khiến 500.000 người chết, 7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và hơn 13 triệu người khác đang gặp khó khăn với tình trạng thiếu đói và không có đủ nước sạch và thuốc men.
Dòng người tị nạn khổng lồ từ Syria cũng đã xuất hiện ở Châu Âu, khiến nhiều nước trong khu vực xuất hiện làn sóng phản đối chính phủ đã ủng hộ đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Syria.