Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ
Sau một ngày đưa ra tối hậu thư cho ông Morsi, Quân đội Ai Cập đã đưa xe tăng triển khai gần dinh tổng thống, ép buộc ông Morsi phải từ chức. Hôm thứ Tư (3/7), các chỉ huy quân đội nước này đã công bố trên truyền hình rằng Tổng thống Morsi đã “không đáp ứng được yêu cầu của người dân Ai Cập”.
Tổng tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Sisi phát biểu trên đài truyền hình quốc gia Ai Cập là đã lật đổ thành công chính quyền Hồi giáo của Tổng thống Mohamed Morsi |
Dưới sức ép của các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và các tướng lĩnh hàng đầu, Tổng tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Sisi đã công bố hủy bỏ hiến pháp nhuốm màu Hồi giáo và đưa ra một lộ trình trở lại với dân chủ theo một bộ quy tắc sửa đổi mới.
Chủ tịch tòa án hiến pháp tối cao Adly Mansour trở thành tổng thống lâm thời của đất nước, dưới sự hỗ trợ của Hội đồng lâm thời và một chính phủ kỹ trị cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mới được tổ chức.
"Những người trong cuộc họp đã nhất trí về một lộ trình cho tương lai bao gồm các bước đầu tiên để đạt được việc xây dựng một xã hội Ai Cập mạnh mẽ, gắn kết, không loại trừ bất cứ ai và kết thúc tình trạng căng thẳng và chia rẽ", Tướng Sisi cho biết trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình nhà nước.
Sau bài phát biểu của ông Sisi, hàng trăm ngàn người biểu tình chống Morsi ở quảng trường Tahrir trung tâm Cairo đã bùng nổ và reo hò ủng hộ, bắn pháo hoa và vẫy cờ ăn mừng chiến thắng.
Người dân Ai Cập ăn mừng trong pháo hoa và tiếng còi của các loại xe ô tô vì tin ông Morsi bị lật đổ |
Tuy nhiên, một tuyên bố được công bố trên tài khoản facebook chính thức của Tổng thống Morsi cho biết, các biện pháp nêu ra trong bài phát biểu của ông Sisi là “một cuộc đảo chính quân sự đầy đủ” và “hoàn toàn bị hủy bỏ”.
Quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau sự sụp đổ của Tổng thống Hosni Mubarak trong cuộc nổi dậy “Mùa xuân Ả Rập” hồi đầu năm 2011, khơi dậy mối quan tâm giữa các đồng minh phương Tây và Israel.
Lãnh đạo nhóm Hồi giáo Anh Em, ông Morsi chỉ làm tổng thống trong hơn một năm. Hiện ông đang ở trong một doanh trại được bao vây bởi thép gai, rào cản và quân đội của Đảng Bảo vệ Cộng hòa. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu ông đã bị bắt hay chưa. Tờ báo nhà nước Ai Cập Al-Ahram cho biết quân đội tuyên bố lật đổ Morsi vào lúc 7 giờ tối giờ địa phương (0 giờ theo giờ Việt Nam).
“Những kẻ khủng bố và điên khùng”
Nhà lãnh đạo quân đội Ai Cập đã tuyên bố sẽ lập lại trật tự đất nước bằng cách phản đối các chính sách của ông Morsi. Trước đó, quân đội đã đưa ra lời kêu gọi chiến đấu trong tuyên bố “Những giờ phút cuối cùng”, nói rằng sẵn sàng đổ máu chống lại “những kẻ khủng bố và điên khùng”.
Xe bọc thép bao vây bên ngoài trụ sở phát thanh truyền hình nhà nước tọa lạc bên bờ sông Nile. Để biểu dương lực lượng, hàng trăm binh sĩ với xe bọc thép đã tổ chức một cuộc diễu hành gần dinh tổng thống.
Người dân Ai Cập đã có những ngày tháng biểu tình kéo dài mong muốn lật đổ được lãnh đạo của Nhóm Anh em Hồi giáo |
Theo hãng tin Reuters cho biết, các nguồn tin đảm bảo an ninh cho Morsi nói rằng ông Morsi và toàn bộ lãnh đạo cao cấp của nhóm Anh Em Hồi giáo đã bị cấm rời khỏi đất nước. Danh sách cấm gồm 40 thành viên đã được gửi tới lực lượng cảnh sát hàng không.
Trong một tuyên bố cuối cùng được đưa ra vài phút trước thời hạn 24 giờ, Văn phòng Tổng thống Morsi cho biết một chính phủ liên minh có thể là một phần của giải pháp vượt qua khủng hoảng chính trị. Tuy nhiên, các đảng đối lập từ chối đàm phán và đã bắt tay với quân đội.
Giá dầu tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 14 tháng với giá hơn 100 USD một thùng một phần do lo ngại tình trạng bất ổn ở Ai Cập có thể gây bất ổn cho khu vực Trung Đông và dẫn đến nguồn cung cấp dầu bị gián đoạn.
Các cuộc biểu tình chống Morsi lớn cho thấy Nhóm Anh Em Hồi giáo với cách điều hành quản lý kinh tế yếu kém đã khiến cho người dân Ai Cập tức giận và mong muốn được thay thế. Du lịch và đầu tư đã khô cạn, lạm phát tràn lan và cung cấp nhiên liệu bị gián đoạn, cắt điện kéo dài trong cái nóng mùa hè là những gì mà người dân nước này phải chịu đựng trong suốt thời gian ông Morsi tại vị.
Trước đó, phát ngôn viên Morsi đã phát biểu rằng ông Morsi nên chấp nhận dân chủ hơn là đổ lỗi cho lịch sử về kết quả của sự yếu kém trong điều hành đất nước. "Thay vì được lên án bởi lịch sử và các thế hệ tương lai cho ném đi những hy vọng của Ai Cập để thiết lập một đời sống dân chủ", phát ngôn viên Ayman Ali nói, thêm vào rằng những lời phát biểu tự do trên truyền hình của Tổng tư lệnh quân đội là bởi vì ông Morsi đã “mất trí” và không thể làm gì khác.
Phát ngôn viên chính thức của Nhóm Anh Em Hồi giáo cho biết những người ủng hộ đã sẵn sàng chết để bảo vệ ông Morsi. "Chỉ có một điều chúng ta có thể làm: chúng tôi sẽ đứng ở giữa xe tăng và tổng thống," Gehad El-Haddad nói tại trại biểu tình của phong trào trong một vùng ngoại ô Cairo, nơi vẫn còn nhiều căn cứ quân sự và gần dinh tổng thống.