Tổng giám đốc VTV: Truyền hình đang thừa nhân lực, quảng cáo ngày càng giảm
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng với Bộ TT&TT vào sáng ngày 8/9/2018, Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh đã nêu ra việc hiện nay nhân lực làm trong ngành truyền hình đang thừa nhiều quá, trong khi doanh thu quảng cáo của báo chí, truyền hình ngày càng giảm, vì bị mạng xã hội cạnh tranh thu hút tiền quảng cáo.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, cả nước có 848 tờ báo và tạp chí, doanh thu quảng cáo đạt 65 triệu USD/năm. Cả nước có 67 đài truyền hình và trung tâm truyền hình, 34 doanh nghiệp truyền hình trả tiền, doanh thu quảng cáo trong lĩnh vực truyền hình đạt 414 triệu USD/năm.
Hiện nhà nước đã cấp phép cho 436 mạng xã hội trong nước với số lượng người dùng ước đạt 46 triệu, trong đó Zalo là mạng xã hội lớn nhất với số lượng người dùng khoảng 40 triệu người, doanh thu quảng cáo đạt 7 triệu USD/năm.
Trong khi đó, hai mạng xã hội nước ngoài là Facebook và Google có tổng cộng 95 triệu người dùng, doanh thu quảng cáo của hai mạng xã hội này ước đạt 370 triệu USD/năm.
Theo ông Trần Bình Minh, trong lĩnh vực PT-TH nhân lực đang thừa nhiều quá. Một đài truyền hình địa phương trung bình có 100 người, nhiều hơn là 150 -200 người. Trong khi thực tế mỗi đài cấp tỉnh chỉ cần 50 người là nhiều lắm rồi, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại thì càng không cần nhiều nhân lực.
Cũng theo ông Minh, thị trường báo chí thực ra rất nhỏ. Tổng cộng doanh thu cả báo viết và truyền hình khoảng 480 triệu USD. Trong khi trên mạng Internet, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google đạt 370 triệu USD. Nhưng con số này là vấn đề rất lớn. Vì con số quảng cáo của hai mạng xã hội nước ngoài càng ngày lớn lên thì quảng cáo của các báo, đài trong nước ngày càng giảm xuống. Khi doanh thu của các hãng công nghệ ngày càng tăng thì doanh thu báo chí càng giảm.
"Vì hiện nay bất cứ ai cũng có thể kiếm tiền dễ dàng, kiếm tiền trên nền tảng CNTT, Internet. Họ làm các game show, tin tức nhảm nhí rồi đăng lên mạng xã hội là kiếm được tiền. Thậm chí, bây giờ nhiều nội dung người ta không cần đến truyền hình nữa", ông Minh phát biểu.
Trong bức tranh quảng cáo của truyền hình, chỉ cần những "ông lớn" như VTV giữ nguyên không tăng trưởng thì các đài nhỏ khác chắc chắn sẽ bị giảm doanh thu, bởi nguyên tắc khi quảng cáo là còn đài nào mạnh nhất thì họ hợp tác. Cuối cùng chỉ còn 2-3 đài lớn là có thể tự chủ được. Do đó, ông Trần Bình Minh đề nghị, nhà nước cần sớm có cơ chế đặt hàng các đơn vị truyền hình. Các đài cũng cần phải xây dựng đề án thay đổi, kèm với việc giảm người, phải làm rất mạnh thì mới tinh gọn được bộ máy.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển sang cơ chế đặt hàng báo chí, phát thanh, truyền hình và tăng chi đặt hàng lên 1% chi ngân sách thường xuyên.
Nhiều báo hiện nay hoạt động thuần túy theo cơ chế thị trường, không được nhà nước hỗ trợ. Việc đặt hàng các báo này, nhất là các báo lớn có ảnh hưởng rộng, nhiều độc giả, nhằm tuyên truyền cho Đảng, nhà nước sử dụng cơ chế thị trường để thực hiện tuyên truyền cho chính quyền, góp phần đưa các báo về phía chính quyền nhiều hơn. Hiện nay việc chi cho sự nghiệp báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản chiếm khoảng 0,05% ngân sách chi thường xuyên. Việc tăng chi lên 1% sẽ tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng định hướng, nhằm tạo ra dòng chảy chính của báo chí, tạo niềm tin xã hội, sự đồng thuận xã hội, từ đó tạo nên sức mạnh dân tộc.