Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng: Người giỏi nhất có thể là người dốt nhất
Chia sẻ tại Hội nghị khoa học Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ CMCN 4.0 vừa diễn ra sáng 26/02 tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel- Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải, Cách mạng 4.0 là cái mới thay thế cái cũ. Cuộc cách mạng tạo cơ hội cho một số quốc gia bứt phá vươn lên thành nước phát triển.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng-Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel |
Đặc biệt, cách mạng 4.0 mở ra cơ hội cho những suy nghĩ ngược dòng, mang lại kết quả bất ngờ, cơ hội đột phá cho người đi sau, tạo cơ hội cho quốc gia nghèo khó, không có gì. Điều quan trọng nhất vẫn là có dám làm, dám thay đổi hay không.
“Nếu chúng ta đi sau nhưng đi theo người đi trước thì mãi mãi là người đi sau. Đi sau nhưng phải đi khác. Các công cụ 4.0 chủ yếu đều hỗ trợ cho những việc làm khác biệt. Cách mạng 4.0 đi liền với từ phá hủy hay còn gọi là sự sáng tạo mang tính phá hủy. Do đó, với các quốc gia có quá khứ hoành tráng, nền tảng 2.0 hay 3.0 chắc chắn, họ sẽ không đủ can đảm để phá huỷ. Chỉ có những ai đang không có gì, không có gì trong tay mới có cơ hội phá hủy”, ông nói.
Kể lại câu chuyện của Viettel, ông nói: “Năm 2003 khi Viettel còn bé nhỏ, chỉ có 2,3 tỷ đồng tiền vốn, trong khi doanh nghiệp viễn thông khác có cơ sở hạ tầng hàng chục năm, vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Tôi sang Malaysia mang câu chuyện này hỏi vị giáo sư rằng cái khó nhất của Viettel là tiền không, không có gì trong tay... nhưng vị giáo sư nói những người có quá nhiều thứ họ sợ mất mát nhiều hơn còn chúng tôi đang có trong tay tất cả để thắng”.
“Tôi nhớ mãi câu nói đó, đó chính là thứ khai sáng cho Viettel. Cho đến nay, tập đoàn vẫn tiếp tục áp dụng câu nói đấy. Và khi thành công, chúng tôi lại tự biến mình về con số 0 vì chỉ số 0 mới có sức sáng tạo”, ông Hùng nói.
Tại hội thảo, chia sẻ về vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0, người đứng đầu Tập đoàn Viettel đã đưa ra những triết lý rất mới mẻ, tư duy “ngược” mà Tập đoàn này đang áp dụng, vận hành.
Theo ông, trước đây chúng ta học trước, đi làm sau còn bây giờ làm trước, trải nghiệm trước sau đó mới đi học. Đại học cần cho các em làm nhiều hơn, thậm chí làm trước, dạy sau.
Trước đây không biết thì hỏi thầy, không biết thì đi học nhưng nay biết 70-90% rồi mới hỏi thầy, mới đi học, có như thế mới ngộ ra được.
Trước đây giáo viên là thầy thì nay giáo viên chỉ nên là huấn luyện viên, để học trò làm là chính. Việc giảng dạy nếu trước là dạy sâu chuyên ngành thì nay phải là đa ngành vì cơ hội nằm ở sự liên kết giữa các ngành.
Trước đây chúng ta tìm giáo viên trong số 90 triệu dân Việt Nam, nhưng giờ chúng ta tìm giáo viên trong số 7 tỷ người trên thế giới
Trước đây chỉ cần ngôn ngữ giữa người với người, nay cần biết ngôn ngữ giữa người và máy, vì thế cần phải biết lập trình.
Trước đây coi giải quyết vấn đề là chính, nay quan trọng nhất là tìm ra vấn đề.
Trước đây học để làm cái đã học, làm cái mọi người đã làm, còn nay học để làm cái chưa ai làm, học cái đột phá, những cái mới.
Trước đây cạnh tranh làm giống người khác và làm tốt hơn còn nay cạnh tranh là làm khác người khác.
“Bây giờ người giỏi nhất có thể là người dốt nhất nếu nghĩ mình giỏi nhất mà không muốn tiếp thu ai. Người dốt thì đi khắp nơi trên thế giới để tìm ra ai là người giỏi nhất cái gì và tích hợp nó lại và vì thế trở thành người giỏi nhất. Đây là cách Viettel trở thành công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam”, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông, mọi thứ máy làm được nhưng thuật toán không làm được, xử lý dữ liệu chỉ có toán là hiệu quả nhất. Vì thế Viettel chính thức lập viện toán, tập hợp những người giỏi toán nhất, coi đây là trung tâm nghiên cứu lớn nhất, quan trọng nhất của tập đoàn.
Trước đây dạy sinh viên ra trường trở thành mắt xích trong công ty còn nay dạy sinh viên ra trường thành giám đốc.
Cuối cùng, Tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh, điều duy nhất không thay đổi trong cuộc sống chính là sự thay đổi. Con người phải luôn cố gắng, đó là sự sống. Để tồn tại và phát triển luôn đặt ra những mục tiêu cao hơn, nhận nhiệm vụ khó hơn, vượt qua giới hạn của chính mình. Chỉ có những cái không thể mới tạo ra những con người ưu việt và không ngừng thôi thúc chúng ta đi lên.
Ông nhắn nhủ Đại học Công nghiệp Hà Nội hãy nhận về mình những thứ khó nhất, thu hút những người giỏi nhất, đáp ứng công nghệ mới nhất để trở thành đại học khác biệt.