Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Không thể đổi mới mà không tính toán cụ thể"
Thay mặt cho các Đại biểu Quốc hội dự tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp chia sẻ của các cử tri Quận Ba Đình, Quận Tây Hồ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, ý kiến cử tri phản ánh rất đúng thực tế, nắm cụ thể hoạt động của Quốc hội, Trung ương, các ý kiến rất có trách nhiệm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ nặng nề, quan trọng của của kỳ họp sắp tới.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lần lượt giải đáp những vấn đề lớn mà cử tri quan tâm như vấn đề kinh tế xã hội, hoạt động xây dựng luật của Quốc hội…
Vấn đề, đổi mới được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Theo Tổng Bí thư, nhân dịp Đại hội Đảng, chúng ta phải tiếp tục tư tưởng này. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, cần đề ra chiến lược đồng bộ, toàn diện mạnh mẽ hơn nữa, nhưng phải nghiên cứu kỹ càng.
"Các bác đã biết, tổng kết 30 năm đổi mới, sang năm là chúng ta tròn 30 năm, tổng kết đổi mới cần đề ra được một chiến lược. Trong đó, tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, cả kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Điều này liên quan đến cả hệ thống chính trị..." - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu (Ảnh Hồng Chuyên) |
Liên quan vấn đề này, trước đó cử tri Phạm Văn Tá (Phường Yên Phụ) cho rằng, vấn đề đổi mới là vấn đề hết sức quan trọng. Đổi mới về tư duy, cơ cấu kinh tế và công tác cán bộ của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Theo ông Tá, đây là vấn đề cấp bách vì nền kinh tế còn nặng nề thời bao cấp dù đã được tháo gỡ nhiều, nhưng so với nhiều nước ở khu vực và thế giới thì vẫn còn khiêm tốn. Chúng ta còn là nước thấp hơn nhiều nước ở ngay trong khối ASEAN, đòi hỏi phải đổi mới, cần mạnh dạn chia tách, nắn chỉnh một số bộ ngành cho phù hợp, đảm bảo kinh tế nước ta hội nhập sâu với kinh tế thế giới. Ví dụ, cần tách Bộ Thủy sản ra khỏi Bộ NN&PTNT. Vì đến bây giờ, thủy hải sản có một vị trí vô cùng lớn, nếu làm tốt có thể chiếm 35-40% GDP của nước ta, còn rất nhiều tiềm lực biển, chưa kể việc an ninh quốc phòng đòi hỏi các tàu phải có liên kết với nhau, vừa khai thác, đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền.
Ông Phạm Văn Tá chia sẻ: "Nếu mạnh dạn đổi mới tư duy này thì kinh tế biển sẽ phát triển mạnh. Có thêm một nền tảng kinh tế mới cho đất nước".
Ngoài ra, cử tri Phạm Văn Tá cũng lấy ví dụ thêm về vấn đề đổi mới, chia tách các bộ sao cho phù hợp tình hình kinh tế chính trị đất nước hiện nay.
Giải đáp trực tiếp ý kiến của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói thêm: “Các bác nói chuyện nhập vào tách ra các bộ, phải nghiên cứu rất kỹ… Đổi mới nhưng không được chệch hướng, không thể đổi mới mà không tính toán cụ thể”.