"Tôi đồng ý quy định PV dự tòa phải có thẻ nhà báo & giấy giới thiệu"
Ông Hà Minh Huệ (Ảnh: Xuân Hải) |
Liên quan đến Thông tư 01/2014 của Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) về nội quy phiên tòa có hiệu lực từ 16/6, quy định phóng viên dự tòa phải có cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu, trao đổi với PV Infonet bên lề Quốc hội, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội Bình Thuận đồng ý quy định này.
Ông Hà Minh Huệ cho biết: "Hoạt động của báo chí hay hoạt động của một cơ quan nào đó cũng có quy định riêng. Luật pháp của chúng ta quy định báo chí có quyền tác nghiệp ở mọi nơi, mọi chỗ, đây là quyền cơ bản mà không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nào đó cũng phải có những quy định riêng, nhất là tòa án là một nơi tôn nghiêm, nghiêm minh, liên quan đến số phận một con người, đến vụ việc vi phạm pháp luật. Lúc đó chưa biết đúng sai, việc xử án tại tòa lại kéo dài ngày, nếu báo chí chúng ta đến đưa tin thì cũng phải giữ kỷ luật của phiên tòa theo quy định".
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng việc TANDTC quy định phóng viên muốn tác nghiệp tại tòa phải có cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu như vậy là làm khó báo chí, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Về Thông tư 01 của TANDTC quy định nhà báo đến tác nghiệp phải có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, cho tới nay, vẫn có một số cơ quan báo chí cho rằng tòa án làm khó. Về vấn đề này, tôi cho rằng đây là tác nghiệp kỷ luật thông tin, tôi đồng ý quy định này. Bây giờ nếu anh có thẻ nhà báo thì chứng tỏ anh có quyền tác nghiệp, thẻ nhà báo là do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Qua đó chứng tỏ, thứ nhất anh ít nhất có 3 năm kinh nghiệm để mà làm báo. Cái thứ hai là giấy giới thiệu của cơ quan báo chí thì người ta cũng chứng tỏ được nguyên tắc và trật tự, ai đến đưa tin thì phải có giấy giới thiệu của cơ quan đó, để chứng tỏ anh là người được cử đến để phục vụ công tác thông tin báo chí về phiên tòa cụ thể nào đó.
Tòa án không phải là cái chợ ai vào cũng được, ai ra cũng được hay đến để nghe cho vui chứ không phải làm tin. Báo chí chúng ta có chức năng là thông tin thì chúng ta hãy làm đúng chức năng đó. Nếu nói rằng vì có hai giấy tờ đó mà cản trở báo chí thì tôi nghĩ rằng không thỏa đáng lắm. Chúng ta nên suy nghĩ kỹ lại, ví như các kỳ họp của Quốc hội, có phải ai vào cũng được đâu, mà muốn vào được thì phải có thẻ sự kiện và muốn có thẻ sự kiện anh phải có những điều kiện nhất định, phải có giấy giới thiệu của cơ quan đó và cơ quan có thẩm quyền xét duyệt xem anh có đủ điều kiện để tác nghiệp hay không. Đấy là điều kiện hết sức bình thường.
Còn đối với Tòa án không phải là lúc nào cũng xử công khai, có những phiên tòa xử kín. Tôi nói một ví dụ rất đơn giản, một khi nhà anh có đám, ai cũng vào nhà anh để ngó xem như vậy có được không, lẽ dĩ nhiên là chủ nhà không thích đâu.
Thưa ông, mới đây Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độcũng đã trả lời báo chí, quy định phóng viên dự tòa phải có cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu chỉ áp dụng trong những phiên tòa nhạy cảm, đặc biệt, nhưng dư luận băn khoăn, rất khó định lượng được đâu là đặc biệt và như thế nào là nhạy cảm?
Thực ra báo chí chúng ta cũng có lúc sai, phiên tòa chưa xử thì chúng ta đã có những bài báo kết án, tuyên án rồi, vậy thì vai trò của báo chí ở đâu, có thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ không. Tôi nghĩ rằng khi chưa làm rõ, anh có quyền thông tin nhưng thông tin phải là chuẩn xác. Nếu anh làm không chuẩn xác sẽ làm ảnh hưởng chung đến xã hội.
Tôi nói ví dụ như vụ xét xử “bầu” Kiên vừa qua, báo chí lại thiên về ý kiến của luật sư bảo vệ bị cáo, mà luật sư bảo vệ cho bị cáo có nhiệm vụ phải phản biện và phải nói thế này thế kia để có lợi cho thân chủ của họ, khiến dư luận hiểu sai bản chất. Vậy mà báo chí chúng ta lại đưa tin như thế liệu có khách quan?Vậy chức năng báo chí của chúng ta đã làm đúng chưa? Phải làm khách quan để người khác đánh giá và phải làm theo đúng pháp luật.
Khi báo chí chưa hiểu hết pháp luật mà đã có những bài viết như tự tuyên án trước thì đó là báo chí đã làm không đúng chức năng của phóng viên, chúng ta phải nắm rõ điều đó. Phóng viên báo chí khi đưa tin phải chọn lựa và phải đúng với giới hạn của nó. Chứ không phải là thích làm gì thì làm.
Ở các nước ngoài cũng vậy thôi, anh hãy thử tìm hiểu xem. Không phải là chỗ nào phóng viên cũng có thể đến được. Ví dụ như cuộc chiến tranh ở Irac, Mỹ phát động cuộc chiến trang ở Irac, gọi là tự do thì báo chí phải được đưa tự do nhưng Mỹ quy định tất cả phóng viên phải đến sở chỉ huy để cung cấp thông tin và đấy là nguồn thông tin chính thống nhất, lúc đó báo chí muốn viết thế nào thì viết nhưng phải dựa vào nội dung đã được cung cấp. Có nghĩa là mỗi nơi có một quy định. Vì mục tiêu an ninh quốc gia cho nên Mỹ không cho các phóng viên đến thoải mái đưa thông tin về một vấn đề nào đấy. Vấn đề Tòa án đưa ra quy định như thế, đây là một vấn đề liên quan đến số phận con người, như tôi đã nói, liên quan đến an ninh của một đất nước.
Vậy quy định này đưa ra để tiện cho việc kiểm soát thông tin thưa ông?
Tôi nghĩ rằng với cái thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan báo chí nếu ai đáp ứng được 2 yêu cầu đó đều được tham dự đưa tin về phiên tòa và phải đưa tin chuẩn xác, có chất lượng. Nếu không quy định như vậy thì ai cũng có thể đến ngó tý cho vui và xem xong thì nói lung tung.
Hiện nay, tôi cũng lưu ý, có những người chỉ làm ở trang thông tin điện tử, những người không dính dáng gì đến báo chí cũng đến quay phim chụp ảnh, đưa tin lung tung lên facebook. Vậy thì thông tin ở đây là như thế nào? Ở đây chúng tôi đồng ý với quy định mà TANDTC đã đưa vào Thông tư. Đây là quan điểm chung của các cơ quan chỉ đạo báo chí, Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng Thông tư 01 quy như vậy là “vênh” với khoản 1, điều 8 Nghị định 51/2002 quy định rất rõ nhà báo đến các cơ quan, tổ chức chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo, các cơ quan phải cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí nhưng Thông tư 01 này lại quy định nhà báo dự tòa phải có cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu?
Xin cảm ơn ông!